Chat hỗ trợ
Zalo

   

BỆNH LIÊN CẦU KHUẨN DO STREPTOCOCCUS TRÊN HEO

Hinh-25-1477905240
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bệnh liên cầu khuẩn heo do Streptococcus gây ra trên heo là bệnh truyền nhiễm xảy ra trên heo ở mọi lứa tuổi. Vi khuẩn Streptococcus từ da, môi trường xâm nhiễm vào trong máu gây nên các bệnh viêm khớp, viêm màng não và viêm đường tiết niệu. Tùy theo lứa tuổi heo bệnh biểu hiện ở 4 dạng sau: viêm khớp trên heo con theo mẹ, viêm não trên heo con sau cai sữa, viêm phổi và tim ở heo nuôi thịt, viêm đường tiết niệu ở heo sinh sản. Streptococcus suis type 2 có thể lây cho người. Chính vì vậy bệnh liên cầu khuẩn được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật.

1. Tác nhân gây bệnh

Vi khuẩn Streptococcus là vi khuẩn Gram dươngcó dạng hình cầu, xếp thành chuỗi. Theo hệ thống phân loại của Lancefield, Streptococcus gây bệnh trên heo chủ yếu thuộc nhóm C, E, G, L và P, gây dung huyết bê-ta. Ở  nhiệt độ khoảng 22 – 25OC vi khuẩn có thể tồn tại trong phân khoảng 1 tuần, nhưng không quá 24  giờ nếu ở trong bụi không khí. Thuốc sát trùng và các chất tẩy rửa có thể tiêu diệt vi khuẩn trong vòng 1 phút.

2. Dịch tể

Streptococcus tồn tại tự nhiên trong đường hô hấp trên của heo (nhất là trong hạch và xoang mũi), trong đường sinh dục và kể cả đường tiêu hóa của heo. Vi khuẩn hiện diện thường xuyên trong chuồng, trong xoang miệng heo nái, lây nhiễm vào heo con theo mẹ qua tiếp xúc trực tiếp mũi – miệng –mũi từ giai đoạn rất sớm. Streptococcus xâm nhập vào trong cơ thể heo con do cắt răng, cắt rốn, cắt đuôi, thiến, qua những tổn thương trên da do trầy xước, cắn lẫn nhau…vi khuẩn sau đó vào trong máu gây nhiễm trùng máu, xâm nhập vào khớp gây viêm khớp, vào não gây viêm màng não. Tỷ lệ bệnh thông thường vào khoảng 5%, nhưng tỷ lệ tử vong có thể lên đến 20%. Bệnh xảy ra chủ yếu trên heo khoảng 5 – 10 tuần tuổi.

3. Triệu chứng

Heo bệnh sốt cao khoảng 40 – 41oC. Heo bệnh thường gặp các dạng sau:

– Thể viêm khớp: chủ yếu trên heo theo mẹ. Heo bệnh ốm yếu, lông khô, không sáng bóng kèm theo sốt. Khớp chân bị sưng, nóng và đau, heo đứng không vững, đi lại khó khăn, giai đoạn cuối của bệnh heo không thể đứng dậy, nằm nghiêng bên sườn và chết.

– Thể viêm não: phổ biến trên heo sau cai sữa. Heo bệnh sốt, có triệu chứng thần kinh, đi đứng không vững, khớp không sưng, thở khó, mắt và trán sưng như bị phù, mắt có ghèn nhưng không bị viêm kết mạc, vào giai đoạn cuối heo thở thể bụng, co giật, đạp kiểu bơi chèo. Nhiều trường hợp, heo sau co giật trở lại bình thường và lặp lại triệu chứng thần kinh sau đó. Triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, nếu không điều trị đúng heo sẽ chết.

Heo con nhiễm liên cầu khuẩn. A, B khớp viêm, sưng to chân

C, D triệu chứng thần kinh đi đứng không vững, mắt và trán sưng

– Thể viêm đường tiết niệu: thường xảy ra trên nái. Heo bệnh sốt và có thể bị chảy dịch nhờn đục ở âm hộ, đôi khi có thể dẫn đến xảy thai.

4. Bệnh tích

Heo bệnh do Streptococcus nếu ở thể thần kinh có thể có các bệnh tích sau: viêm màng bao tim, tích dịch, phổi bị viêm kẽ, xung huyết, xoang trán tích dịch, màng não phù, xung huyết hay có mủ.

Heo con nhiễm liên cầu khuẩn. A viêm màng bao tim, B màng não phù, xung huyết.

C xoang trán heo tích dịch, D phổi viêm kẽ, xung huyết

5. Phòng bệnh

Phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:

– Vệ sinh tiêu độc chuồng trại, nhất là chuồng nái đẻ và sau cai sữa.

– Kết cấu chuồng nái đẻ thích hợp, không gây tổn thương heo con theo mẹ, tránh hiện tượng cắn nhau của heo con.

– Thực hiện tốt vệ sinh sát trùng vết thương do cắn nhau, chuồng trại nhám, khi cắt răng, cắt rốn, cắt đuôi, thiến.

– Quản lý, chăm sóc nái đẻ tốt, nhất là nái tơ, tránh không để nái bị mất sữa, viêm tử cung.

– Thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của heo con theo mẹ để phát hiện dấu hiệu bệnh sớm, can thiệp kịp thời.

– Có thể cấp kháng sinh cho heo vào những thời điểm nguy cơ như cắt răng, cắt rốn. cai sữa.

6. Điều trị

Hiệu quả điều trị chỉ cao trong trường hợp phát hiện bệnh sớm, khi heo mới bị viêm khớp (có dấu hiệu đi lại khó khăn) hoặc triệu chứng thần kinh nhẹ. Tùy tình hình của trại sử dụng loại kháng sinh phù hợp, có thể điều trị bằng cách tiêm một trong các loại kháng sinh sau: Penicillin, Penicillin kết hợp Streptomycin, Amoxicillin, Ampicillin, Ceftiofur, Gentamycin, … kết hợp kháng viêm, hạ sốt. Việc điều trị nên được thực hiện trong 5 ngày.

Nguồn: khuyennongtphcm.vn

Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu

Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 0972502979

Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com

Website: https://thietbichannuoibo.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo

0972.502.979