Theo đó, nhờ giải pháp công nghệ chỉnh sửa gen những con gà mái sẽ đẻ ra toàn trứng mà sau đó chỉ nở ra những con gà mái.
Thành quả khoa học này thuộc về một nhóm các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Israel, Trung tâm Volcani, đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra những con gà mái chỉ đẻ ra toàn trứng một bề là những con cái. Quá trình nghiên cứu này kéo dài mất 7 năm liên kết với Huminn, công ty của Mỹ ở Israel chuyên sản xuất thực phẩm bền vững có khả năng thương mại hóa.
Công nghệ này liên quan đến những con gà mái đẻ trứng được chỉnh sửa gen để khi mang phôi đực, chúng sẽ không thể tiến triển và nở.
Yuval Cinnamon, nhà phôi học của Trung tâm Volcani, nói: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã phát triển một hệ thống mà tôi nghĩ có thể thực sự cách mạng hóa ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm, trước hết không chỉ là vì quyền lợi của những gà mà còn cho tất cả chúng ta, bởi vì điều đó đang là một vấn đề ảnh hưởng đến mọi người trên hành tinh này”.
Nhà khoa học Cinnamon cho biết, các chuyên gia đã chỉnh sửa gen DNA vào gà mái để có thể ngăn chặn sự phát triển của bất kỳ phôi đực nào trong trứng mà chúng đẻ ra.
Nhiều người tin rằng bước đột phá trong đổi mới công nghệ nghiên cứu này có thể cách mạng hóa ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm nói chung và gà nói riêng. Ảnh: Daniel Tuttle
Cụ thể, nhờ DNA được kích hoạt khi trứng tiếp xúc với ánh sáng xanh trong vài giờ, phôi gà cái không bị ảnh hưởng bởi tác động ngoại cảnh và phát triển bình thường. Mặt khác những con gà con cũng không hề có dấu hiệu vật chất di truyền bổ sung bên trong, cũng như những quả trứng mà chúng đẻ ra.
Mặc dù nghiên cứu mới mẻ này chưa được đánh giá ngang hàng (quá trình mà các đồng nghiệp đánh giá chất lượng và tính chính xác của tài liệu nghiên cứu của học giả, thường được sử dụng trong các học viện, nơi các giáo sư đánh giá công việc của nhau trước khi nó được công bố trên các tạp chí nghiên cứu khoa học lớn) do đang chờ kế hoạch cấp phép cho công nghệ này, nhưng nó đã được một tổ chức thiện nguyện phúc lợi động vật có trụ sở tại Anh là Mercy in World Farming (CIWF) đánh giá cao.
Trưởng cố vấn chính sách, Peter Stevenson cho biết, bước đột phá này có thể là một “sự phát triển thực sự quan trọng” đối với vấn đề phúc lợi động vật. “Thông thường, tôi rất cảnh giác với việc sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen của động vật trang trại. Nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ, và tôi cũng như các đồng nghiệp của tôi tại CIWF rất ủng hộ nó. Bước quan trọng tiếp theo là xem liệu những con gà mái và các lứa gà con do chúng sản xuất ra trứng phục vụ cho nhu cầu của con người, có thể trải qua vòng đời thương mại mà không có bất kỳ vấn đề phúc lợi bất ngờ nào phát sinh hay không”, vị này phát biểu.
Việc hủy bỏ gà trống vừa nở một ngày hiện đã bị cấm ở một số nước châu Âu. Cụ thể Đức đã cấm phương pháp này vào đầu năm nay và nông dân Pháp đã gia hạn đến ngày 1 tháng 1 năm 2023 để tuân thủ các hạn chế mới.
Theo thống kê, hàng năm ở Pháp có tới hơn 50 triệu con gà trống con mới nở bị rơi vào các máy nghiền ngay sau khi chúng vừa bước ra khỏi vỏ trứng, trong khi những con gà cái con được phép sống để trở thành những con gà mái đẻ trong tương lai. Hành vi tiêu hủy truyền thống này đã bị các nhà hoạt động phúc lợi động vật chỉ trích gay gắt trong nhiều năm là phi đạo đức. “Thực tế này là ‘không thể chấp nhận nổi về mặt đạo đức’ bởi nó không còn phù hợp với các cam kết của Ủy ban Châu Âu, trúng vào thời điểm mà các đề xuất về quyền lợi động vật nhiều hơn trên toàn khối”, Ủy viên An toàn Thực phẩm EU Stella Kyriakides từng phát biểu ý kiến tại một cuộc họp cấp bộ trưởng vào năm ngoái.
Trước đó, tại một cuộc họp vào tháng 10, các Bộ trưởng Nông nghiệp liên minh Châu Âu (EU) cho biết họ sẽ xem xét lệnh cấm trên toàn khối đối với việc tiêu hủy gà con đực từ gà mái đẻ trứng, trong khi chờ kết quả đánh giá các tác động.
Nguồn: nongnghiep.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo