Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng kể từ ngày 1/4 sau thông báo của một số doanh nghiệp. Từ cuối năm 2020 tới nay, đây là lần tăng giá thứ 11.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 11 từ ngày 1/4
Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng kể từ ngày 1/4 sau thông báo của một số doanh nghiệp.
Từ cuối năm 2020 tới nay, đây là lần tăng giá thứ 11. Tại cuộc họp ngày 18/3, lãnh đạo Bộ NNPTNT kêu gọi các doanh nghiệp không tăng giá thức ăn chăn nuôi trong thời điểm khó khăn này.
Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Năm Hưởng (trụ sở TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho biết, từ ngày 1/4, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng thêm một lần nữa. Đây là lần tăng từ 11 kể từ cuối năm 2020 tới nay: “Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã là thách thức lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay. Thịt và trứng thì phải bình ổn giá, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào tăng quá cao, thật là quá nghiệt ngã”, ông Hòa chia sẻ.
Thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 1/4 của Công ty TNHH CJ Vina Agri.
Cụ thể, ngày 25/3, Công ty TNHH CJ Vina Agri điều chỉnh tăng tất cả các loại thức ăn đậm đặc, thức ăn heo con, bò tăng 400 đồng/kg; thức ăn cho heo nái, heo thịt, gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, dê tăng 300 đồng/kg, thời gian áp dụng cho tất cả các loại thức ăn.
Lý do đơn vị này đưa ra trong thông báo, đó là: “Do tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động trong thời gian vừa qua, để ổn định chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH CJ Vina Agri thông báo điều chỉnh giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi”.
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung (địa chỉ huyện Nam Sách, Hải Dương) thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Ngày 24/3, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung (địa chỉ huyện Nam Sách, Hải Dương) cũng thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm thức ăn đậm đặc thêm 500 đồng/kg và các sản phẩm thức ăn hỗn hợp tăng 400 đồng/kg.
Công ty CP Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long) ngày 26/3 cũng đưa ra thông báo đến hệ thống đại lý, khách hàng rằng, giá thức ăn cho heo con tập ăn và đậm đặc các loại tăng 400 đồng/kg và tất cả các sản phẩm còn lại sẽ tăng 300 đồng/kg.
Công ty CP Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long) ngày 26/3 cũng đưa ra thông báo đến hệ thống đại lý, khách hàng về tăng giá thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hà Văn Tuấn, chủ trại chăn nuôi lợn tại Phương Định (Trực Ninh, Nam Định) cho biết, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi vừa thông báo giá thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng thêm khoảng 300 – 400 đồng/kg tùy loại.
“Đừng nghĩ 300 đồng con là tiền vụn, vì mỗi trang trại chăn nuôi cả trăm con, mỗi con lỗ thêm cả trăm nghìn là mỗi lứa lợn lỗ thêm hàng chục triệu. Chỉ tăng thêm 300 đồng/kg cám, nhưng sẽ cộng gộp thêm vào giá thành lợn hơi ít nhất 75.000 – 80.000 đồng/con, trong khi giá lợn hơi không thể tăng vượt mức 58.000 đồng/kg, người chăn nuôi càng thua lỗ nặng”, ông Tuấn nói.
Người chăn nuôi cần làm gì để giảm giá thành sản xuất?
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong hơn một năm qua khiến nhiều ngành chăn nuôi thua lỗ nặng nề, người nông dân phải chấp nhận giảm đàn cắt lỗ.
Việc nhập khẩu tới 70% nhiều loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi càng làm cho ngành chăn nuôi rủi ro hơn khi giá nguyên liệu tăng kỷ lục bởi tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine.
Thông tin từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Hiện Việt Nam là nhà nhập khẩu bắp lớn nhất ở Đông Nam Á. Nhu cầu nhập khẩu bắp và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, ở mức gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.
Một hộ chăn nuôi gà ở xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) phải giảm đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Ảnh: Minh Ngọc
Trong khi đó, quỹ đất trong nước có giới hạn. So với trái cây và cây công nghiệp thì trồng bắp và đậu nành của Việt Nam không thể cạnh tranh.
Chưa kể giá thành sản xuất các nguyên liệu này của Việt Nam cao hơn hàng nhập khẩu từ châu Mỹ, Úc, Ấn Độ…
Trao đổi với Dân Việt, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tại Việt Nam, tỉ trọng thức ăn chăn nuôi (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu. Ảnh: Minh Ngọc
Để đáp ứng sản lượng thức ăn chăn nuôi như đã nêu trên, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh.
Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (22,3 triệu tấn).
So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%), lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%).
Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 (hiện giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 tăng đáng kể, cụ thể ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg).
Do giá nguyên liệu TACN tăng mạnh nên giá TACN công nghiệp (TACN thành phẩm) trong nước cũng tăng theo.
So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%); thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%); thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).
Theo ông Chinh, chúng ta cần có giải pháp để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, hiện Việt Nam mới chủ động được 35%, nghĩa là 65% phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trong thời gian tới, cần có chính sách tái cơ cấu hệ thống cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đưa các giống ngô, đậu tương biến đổi gen vào trồng để tiến tới chủ động được 50% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Nguồn: vietgiaitri.com
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gamil.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo