Chat hỗ trợ
Zalo

   

Khảo sát độc lực của virus viêm gan vịt

Khảo Sát độc Lực Của Virus Viêm Gan Vịt_ Công Ty Á Châu_ 0972502979
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Nghiên cứu cho thấy chủng virus này thể hiện độc lực cao trên vịt con, với độc lực được xác định trên vịt con 3 ngày tuổi là 103,3LD50/0,5ml. Sau khi gây nhiễm 1 ngày, virus có khả năng gây chết vịt thí nghiệm. Thời gian gây chết từ 1-5 ngày sau khi gây nhiễm, tập trung cao nhất vào ngày thứ 3, thứ 4 với những triệu chứng điển hình như vịt ít đi lại, tiêu chảy phân trắng, đi ngã về một phía, tư thế chết rất điển hình là vịt nằm nghiêng sườn, đầu ngửa lên lưng. Biến đổi bệnh lý điển hình nhất là ở gan như gan sưng, gan sưng xuất huyết hay có biểu hiện gan nhạt màu chiếm tỷ lệ rất cao 100%, túi mật căng phồng (73,3%), lách sưng (63,3%). Ngoài ra, còn có một số biểu hiện như phổi xuất huyết, thận sưng, cơ tim nhão hay cơ tim nhạt màu và hiện tượng dạ dày cơ, dạ dày tuyến xuất huyết. Tổng số vịt chết trong thời gian thí nghiệm với tỷ lệ 56,0%.

GIỚI THIỆU
Viêm gan vịt do virus là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở vịt con. Vịt nhạy cảm nhất với bệnh là lúc mới nở đến dưới 28 ngày tuổi và dần dần trở nên kháng lại với bệnh lúc vịt lớn lên. Bệnh xảy ra nhanh chóng, lây lan nhanh trong toàn đàn và khả năng gây chết đến 90% (Woolcock, 2003). Bệnh này từ lâu được xác định có mặt ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu đã phân lập được chủng virus viêm gan vịt type I genotype 3 ở nhiều tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhận thấy bệnh xảy ra ngày càng nhiều trên những đàn vịt con do những nông hộ nuôi ngoài tự nhiên.

Hơn nữa, trong quá trình tiến hóa và thích nghi với môi trường sống làm cho độc lực virus có nhiều biến đổi và diễn biến bệnh lý của các chủng virus viêm gan vịt có nhiều điểm giống nhau khó phân biệt. Cho nên, việc khảo sát độc lực và tính gây bệnh của chủng virus này trên vịt con là hết sức cần thiết, nhằm hiểu rõ hơn khả năng gây bệnh và những triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh; từ đó cung cấp thêm thông tin về bệnh viêm gan vịt do virus để chẩn đoán kịp thời khi dịch bệnh xảy ra trong những điều kiện chưa chẩn đoán được bằng các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại khác.

2 PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1 Phương tiện nghiên cứu

– Vịt con 3 ngày tuổi được ấp nở từ nguồn trứng thu thập từ đàn vịt bố mẹ đã được xác định không có kháng thể kháng virus viêm gan vịt type I genotype 3 bằng phản ứng trung hòa virus.
– Chủng virus viêm gan vịt type I genotype 3 (chủng HG2) được phân lập ở tỉnh Hậu Giang (Phạm Công Uẩn và Hồ Thị Việt Thu, 2014).
2.2 Phương pháp nghiên cứu
Xác định liều gây chết vịt con 50% (LD50 – Duck Lethal dose 50%)

Việc xác định liều gây chết vịt con 50% (LD50 ) được thực hiện theo phương pháp của Reed and Muench (1938).

– Huyễn dịch virus được pha loãng theo logarit thập phân (log) từ 10-1 đến 10-5

– Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên có 5 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Mỗi nghiệm thức tương ứng với một độ pha loãng, mỗi nghiệm thức 5 vịt con. Mỗi đợt thí nghiệm sử dụng 25 vịt con. Như vậy, với 3 lần lặp lại cần 75 vịt con đồng đều khỏe mạnh, các nghiệm thức được bố trí riêng lẻ.

– Tiêm 0,5 ml dịch virus đã pha loãng theo từng nồng độ vào cơ ức vịt con 3 ngày tuổi. Sau khi gây nhiễm, quan sát và ghi nhận các triệu chứng, vịt mới chết mổ khám ghi nhận bệnh tích đại thể.
Trong thời gian thí nghiệm vịt được cung cấp đủ thức ăn và nước uống. Thời gian theo dõi 14 ngày sau khi gây nhiễm; quan sát triệu chứng và mổ khám bệnh tích/chụp ảnh.
3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1 Kết quả xác định liều gây chết 50% trên vịt con

Kết quả xác định tỷ lệ chết của vịt thí nghiệm theo từng nồng độ được trình bày qua Bảng 1.

Bảng 2 cho thấy, trong 75 vịt thí nghiệm có 42 vịt chết, số vịt chết được ghi nhận sau khi gây nhiễm từ 1-6 ngày. Ở các độ pha loãng khác nhau, sau gây nhiễm 1 ngày bắt đầu phát hiện vịt chết với tỷ lệ 10,66%, tỷ lệ vịt chết tăng dần và tập trung từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4, cao nhất là ngày thứ 3 (16%) và ngày thứ 4 (14,67%), giảm dần ở ngày thứ 5 (2,67%), đến ngày thứ 6 không còn phát hiện vịt chết.

Như vậy, ở các độ pha loãng khác nhau, sau khi gây nhiễm cho vịt con 3 ngày tuổi đều gây chết vịt thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu này cũng tương tự với Woolcock (1986), khi gây nhiễm cho vịt con từ 1-7 ngày tuổi bằng huyễn dịch virus viêm gan vịt type I, sau khi gây nhiễm từ 1-2 ngày thấy vịt chết và thường bắt đầu chết ở 1 ngày sau khi gây nhiễm. Theo nhận xét của Shane (2005), khi virus xâm nhập vào cơ thể, virus có thời gian nung bệnh từ 1- 5 ngày, đôi khi kéo dài từ 8-15 ngày. Thời gian nung bệnh tùy thuộc vào độc lực của virus và tình trạng sức khỏe của cơ thể. Trên thực tế tất cả vịt bị nhiễm bệnh và chết chỉ sau 3-4 ngày.

Qua đó cho thấy rằng, khi tiêm huyễn dịch virus độc lực với hiệu giá virus cao làm cho vịt chết nhanh ở những ngày đầu sau khi nhiễm; nếu hiệu giá virus thấp thì số vịt chết cũng chậm dần theo thời gian. Tuy nhiên, dù hiệu gía virus thấp nhưng khi gây nhiễm và sau thời gian nung bệnh đều có khả năng gây chết cho vịt con.

Kết quả ghi nhận số vịt chết trung bình theo ngày cho thấy, vịt chết trung bình ở độ pha loãng 10-1 chiếm tỷ lệ cao 2,16 con/ngày, độ pha loãng 10-2 là 1,83 con/ngày, độ pha loãng 10-3 là 1,33 con/ngày, độ pha loãng 10-4 là 1,0 con/ngày và độ pha loãng 10-5 là 0,67 con/ngày. Qua thí nghiệm cho thấy, chủng virus viêm gan vịt type I genotype 3 (chủng HG2) có độc lực cao trên vịt con với tỷ lệ gây chết ở 5 độ pha loãng từ 10-1 đến 10-5 trong đợt thí nghiệm là 56,0%.

3.3 Khảo sát triệu chứng lâm sàng ở vịt thí nghiệm

Kết quả khảo sát triệu chứng lâm sàng ở vịt thí nghiệm sau khi gây nhiễm được trình bày qua Bảng 3.

Bảng 3 cho thấy, triệu chứng lâm sàng của vịt thí nghiệm sau khi gây nhiễm như vịt ít đi lại hoặc không đi lại chiếm tỷ lệ cao 77,3%; vịt bỏ ăn, ủ rũ chiếm tỷ lệ 50%; trước khi chết vịt nằm nghiêng sườn hoặc đầu ngửa lên lưng chiếm tỷ lệ 48,0%; các dấu hiệu khác như khô chân, suy yếu 44,0%; tiêu chảy phân trắng 33,3%; chảy dịch mũi 21,3% và biểu hiện thần kinh co giật 18,7%, vịt chết nhanh sau khi biểu hiện triệu chứng. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với một số tác giả như Nguyễn Văn Cảm và ctv. (2001), Farmer et al. (1987), Tseng and Tsai (2007), đầu tiên vịt con nhiễm bệnh không theo kịp với đàn, trong thời gian ngắn vịt ít di chuyển hoặc ngừng hẳn. Vịt thường nằm, mắt nhắm, ủ rũ, bỏ ăn, mất thăng bằng, vịt đi ngã về một phía, cả hai chân co giật, chết với tư thế đầu ngửa về phía sau hoặc bên sườn.

Trên đây là những biểu hiện về triệu chứng lâm sàng rất điển hình của chủng virus viêm gan vịt type I genotype 3 và cũng là thông tin hết sức cần thiết nhằm phục vụ cho nghiên cứu, chẩn đoán bệnh viêm gan vịt do virus.

3.4 Khảo sát bệnh tích đại thể trên vịt thí nghiệm qua mổ khám

Kết quả khảo sát bệnh tích đại thể qua mổ khám 30 vịt chết trong thí nghiệm được trình bày qua Bảng 4.

Bảng 4 cho thấy, tần suất xuất hiện bệnh tích cao nhất là gan sưng, gan sưng xuất huyết, hay có hiện tượng gan nhạt màu chiếm tỷ lệ cao (100%); những biểu hiện túi mật căng phồng (73,3%), lách sưng (63,3%) và phổi xuất huyết (56,6%). Ngoài ra, bệnh tích xuất hiện ở một số cơ quan khác như thận sưng (16,6%), cơ tim nhão hay cơ tim nhạt màu (23,3%) và hiện tượng dạ dày cơ xuất huyết. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của một số tác giả khác, theo Woolcock (1986) và Kim et al. (2007), quan sát bệnh tích đại thể của vịt nhiễm virus viêm gan vịt type 1 nhận xét, vịt nhiễm bệnh khi chết bệnh tích xuất hiện chủ yếu ở gan, gan sưng xuất huyết và dễ vỡ, lách sưng và sưng thận do mạch máu bị tắt nghẽn. Có những điểm hoại tử nhỏ ở trong gan, ống mật tăng sinh, viêm tế bào gan và xuất huyết. Nghiên cứu của Haider and Calnek (1979) cũng có kết quả như gan sưng với các đốm xuất huyết hoặc nhiều vết xuất huyết, gan nhạt màu hoặc có các vằn đỏ trên bề mặt gan, lách đôi khi sưng và có các vằn đỏ. Trong phần lớn các trường hợp, thận sưng và các mạch máu ở thận sung huyết.

Như vậy, từ kết quả nghiên cứu trong thí nghiệm cho thấy, vịt khi chết biểu hiện bệnh tích rất điển hình của bệnh viêm gan vịt do virus. Đây là những thông tin hết sức cần thiết để chẩn đoán và xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra trước khi sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác.

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
4.1 Kết luận
Chủng virus viêm gan vịt type I genotype 3 (chủng HG2) phân lập ở tỉnh Hậu Giang có độc lực cao trên vịt con 3 ngày tuổi, với độc lực được xác định là 103,3LD50/0,5 ml. Khi gây nhiễm, virus biểu hiện bệnh lý rất điển hình trên vịt con như triệu chứng vịt ủ rủ bỏ ăn, ít và không đi lại, nằm nghiêng sườn đầu ngửa lên lưng và bệnh tích gan sưng, sưng xuất huyết, mật căng phồng, lách sưng. Đây là những thông tin hết sức cần thiết nhằm phục vụ trong chẩn đoán bệnh và trong nghiên cứu.
4.2 Đề xuất
Cần phân lập những chủng virus viêm gan vịt type I thuộc genotype khác, virus viêm gan vịt type 2 và type 3 để hiểu rõ thêm về tính chất dịch tễ và bệnh lý gây ra bởi những chủng virus trong vùng.

Nguồn: channuoivietnam.com

Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu

Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 0972502979

Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com

Website: https://thietbichannuoibo.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo

0972.502.979