Mô hình nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn giúp người dân xã ven biển Thái Đô, huyện Thái Thụy thu lợi mỗi năm vài trăm triệu đồng, góp phần bảo vệ môi trường biển.
Khai thác lợi thế từ 500ha rừng ven biển
Gần chục năm qua, người dân xã Thái Đô, huyện Thái Thụy quen thuộc với hình ảnh những đàn ong cần mẫn, chăm chỉ trong hành trình từ những vùng rừng ngập mặn sú, vẹt… quạt cánh về khu vực đặt thùng nuôi.
Mỗi năm, cứ đến dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi các rừng vẹt ngập mặn ven biển xã Thái Đô bắt đầu trổ hoa cũng là mùa đặt thùng nuôi ong bắt đầu. Dưới bóng râm của tán rừng phi lao rộng cả ngàn mét vuông sát triền đê biển, anh Lê Huy Khoa (SN 1986) đang miệt mài gia cố và làm thêm những cầu gỗ, khay để chuẩn bị đặt thêm các thùng nuôi ong mới.
Theo lời anh Khoa, giống ong nuôi của anh là ong Ý. Tùy theo số lượng ong trong đàn mà tương ứng với số thùng nuôi thả. Đàn ong Ý của anh có tổng số từ 300 – 500 thùng.
“Chính vụ hoa vẹt từ cuối tháng 3 đến tháng 6. Nếu khỏe hoa, thời gian thu mật khoảng 2 – 3 tuần một lần quay. Nếu hoa kém, thời gian thu mật sẽ lâu hơn. Hết mùa hoa vẹt lại đến mùa hoa sú, bần nối tiếp nhau. Do đó, thời gian nuôi ong kéo dài liên tục”, anh Khoa cho hay.
Dọc tuyến đê biển dài hơn 3km ở xã Thái Đô hiện có 3 đàn ong nuôi lấy mật, tổng số thùng nuôi lên tới trên dưới 1.000.
Châm điếu thuốc để lấy khói, anh Khoa dẫn tôi ra dãy đặt thùng ong xếp thành từng hàng dài dưới tán phi lao râm mát. Mấy ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhưng tán phi lao vài chục năm tuổi, mỗi cây có vòng thân to cỡ bắp chân người lớn toả bóng che nắng khiến khu nuôi ong của anh Khoa vẫn dịu hơn.
Mở nắp một thùng ong mấy tuần tuổi, anh Khoa kiểm tra từng cầu ong, nhấc lên, đặt xuống. Những đám ong bu đen kín mặt cầu, con nào con nấy khoẻ mạnh, vạm vỡ… khiến anh Khoa hài lòng hiện rõ trên nét mặt.
Chỉ tay sang dãy thùng đặt ở phía rìa đường, từng bụm ong tụ lại thành cục đen sì phía ngoài, anh Khoa giải thích, loài ong Ý không chịu được nắng nóng. Chúng chưa vào thùng mà tụm lại bên ngoài mặt thùng để trốn nóng.
Đàn ong nuôi của anh Khoa, một năm cho thu gần 5 tấn mật. Với giá bán trên dưới 100.000 đồng/lít, mỗi năm, anh thu về khoảng 500 triệu đồng. Để tiện chăm sóc, trông nom, bảo quản đàn ong, anh Khoa dựng một chiếc lều bạt sát chân đê, ngay trước khu vực dãy phi lao của xã để túc trực 24/24.
“Ai có nhu cầu chúng tôi bán lẻ, còn chủ yếu bán cho các nhà máy thu mua mật số lượng lớn để bao tiêu sản phẩm. Ông lấy mật từ rừng ngập mặn nên đảm bảo 100% mật tự nhiên, nguyên chất, rất tốt cho sức khỏe”, anh Khoa chia sẻ.
Cách khu nuôi ong của anh Khoa chừng 2km, ngay tại ngã ba đê biển hướng về trụ sở Ủy ban xã Thái Đô là khu đặt thùng nuôi ong của anh Dương Đức Lộc, một hộ nuôi ong đến từ Lục Ngạn, Bắc Giang.
Ở Thái Đô, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức nuôi ong, thế nhưng diện tích rừng ngập mặn trong địa bàn xã lên tới trên 500ha, quanh năm suốt tháng, bốn mùa loài nọ nối tiếp loài kia ra hoa, là nguồn cung cấp thức ăn, lấy mật phong phú cho những đàn ong nuôi.
Từ cuối tháng 4 Âm lịch đến khoảng 5/5 Tết Đoan ngọ là mùa hoa vẹt, tiếp đó là hoa sú, bần… Để không lãng phí nguồn lợi trên, mấy năm qua, một số hộ dân ở Thái Đô đã kết hợp, liên kết với những chủ đàn ong như anh Lộc cùng phát triển nuôi ong.
Cuối ngày, nắng nóng dịu lại, anh Lộc bật chiếc lò hun khói như một chiếc phễu cầm tay mở nắp từng thùng ong, kiểm tra chất lượng cầu ong. Ở Thái Đô, đàn ong của anh Lộc là đàn lớn, số lượng thùng nuôi lên tới hàng trăm thùng.
Nhiều năm qua, anh Lộc gắn bó với nghề nuôi ong theo mùa hoa, hết mùa hoa vải, hoa nhãn anh đưa đàn đi tìm mật ở các vùng khác. Rừng ngập mặn ở Thái Đô là một trong những “địa chỉ” mà anh Lộc rất tâm đắc.
Xây dựng đề án phát triển ong rừng ngập mặn
Phó chủ tịch xã Thái Đô Tạ Đức Hà cho biết, việc các hộ dân nuôi ong dưới tán rừng ngập mặn được xã ủng hộ, tạo điều kiện tối đa. Với những người nuôi ong từ nơi khác đến địa phương, ngoài việc thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định, xã không thu bất cứ một khoản gì. Ngoài ra, công an xã còn tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo quản các thùng nuôi ong cho người nuôi.
“Thái Đô có 3km đường đê ven biển, diện tích rừng ngập mặn lên tới hơn 500ha. Ngoài nuôi trồng thủy sản, sản xuất thâm canh lúa, việc khai thác nguồn lợi hoa sú, vẹt của rừng ngập mặn theo mùa mới đang dừng lại ở mức độ tự phát.
Học theo mô hình nuôi ong của những người có nhiều kinh nghiệm từ các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên sang đặt thùng, một số hộ dân trong xã cũng đã đầu tư đàn ong, hiệu quả thu được cũng rất khả quan”, ông Hà nói.
Phó chủ tịch xã Thái Đô cho biết, vừa qua, Trường Cao đẳng Nông lâm Hải Phòng đã cử một đoàn công tác sang phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Thái Thụy để khảo sát từ đó xây dựng mô hình nuôi ong ven biển, xây dựng phương án và đề ra kế hoạch đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong rừng ngập mặn ở Thái Bình.
“Mô hình nuôi ong dưới rừng ngập mặn không những có hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, giúp việc thụ phấn của các khu rừng sú, vẹt… được nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng rất mong muốn đề án trên có tính thực tiễn để người dân Thái Đô có thêm nghề phụ, từ đó có thêm thu nhập”, ông Hà hy vọng.
Thái Bình có trên 4.000ha rừng ngập mặn với đa dạng các loại sú, bần, vẹt. Tại huyện Thái Thụy, diện tích rừng ngập mặn chiếm phần lớn, với những cánh rừng ven biển tuổi đời hàng chục năm tuổi. Nếu được quy hoạch, có định hướng, đây sẽ là tiền đề để phát triển nghề nuôi ong quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm và nâng thu nhập cho người dân vùng biển Thái Bình.
Nguồn: nongnghiep.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/