Việt Nam đang có 5 bệnh trên động vật nguy hiểm được Chính phủ ưu tiên kiểm soát và ban hành kế hoạch quốc gia, bao gồm cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục và dại.
Hầu hết dịch bệnh nguy hiểm tăng trên đàn vật nuôi
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngày 17/10/2024, Cục Thú y, Viện Thú y và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp tổ chức hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam”.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, có 5 bệnh trên động vật nguy hiểm được Chính phủ ưu tiên kiểm soát và ban hành kế hoạch quốc gia, 3 trong số 5 kế hoạch kế trên sẽ kết thúc vào năm 2025. Trong số này có dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và lở mồm long móng. Vì vậy, cần sớm xây dựng kế hoạch hành động cho các dịch bệnh nguy hiểm trong giai đoạn mới, nhất là khi hầu hết trong số này diễn biến phức tạp và khó lường trong năm 2024.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, số ca mắc cúm gia cầm tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023. Cá biệt, từ đầu tháng 8 đến 16/9, 27 con hổ và 3 sư tử tại Đồng Nai bị chết. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương đã đưa ra kết luận, các mẫu của nhóm động vật này cho kết quả dương tính với virus A/H5N1.
Với bệnh dại, cả nước có 70 ca tử vong tại 32 tỉnh, thành phố, gần bằng so với cả năm 2023 là 82 ca. Nguy hiểm hơn, trong các kết quả kiểm nghiệm do Cục Thú y thực hiện, gần 50% số mẫu nghi mắc bệnh dại cho kết quả dương tính.
Bệnh lở mồm long móng cũng tăng đột biến từ đầu năm. So với 9 tháng cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,7 lần; số ca mắc bệnh tăng 2,68 lần; tổng số chết, tiêu hủy tăng 6,23 lần.
Bệnh viêm da nổi cục cũng tăng số ca mắc, dù không nhiều. Dù hệ thống thú y đã cung ứng hơn 500.000 liều vắc xin từ đầu năm, số tỉnh, thành phố có ca mắc viêm da nổi cục vẫn tăng từ 15 lên 18 địa phương.
Dù Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin thương mại cho bệnh dịch tả lợn châu Phi, số ca mắc bệnh và số lượng lợn bị tiêu hủy vẫn tăng gần 3 lần. Các ổ dịch xuất hiện chủ yếu tại khu vực phía Bắc.
Theo Cục Thú y, nguyên nhân giải thích cho hiện tượng dịch bệnh nguy hiểm tăng cao trên đàn vật nuôi nằm ở việc tỷ lệ tiêm phòng vắc xin tại địa phương tương đối thấp. Ngoài ra, tình trạng người dân mua, bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển trong vùng dịch chưa thực hiện theo đúng quy định.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam là một phần quan trọng của nền kinh tế. Việc phòng bệnh cho vật nuôi là vô cùng quan trọng và trở thành nhiệm vụ không thể thiếu trong quy trình phát triển chăn nuôi. Khuyến cáo của Cục Thú y cho thấy, sử dụng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi là biện pháp tốt nhất, có hiệu quả nhất để đảm bảo cho nền chăn nuôi phát triển bền vững và an toàn.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh ngày càng được chú trọng. Trong đó, ngoài vùng chính, địa phương cần phải xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh cho cả vùng đệm, bao gồm các địa phương cấp huyện giáp ranh.
Tại Việt Nam, với đàn lợn khoảng 30 triệu con (xếp thứ 6 thế giới), việc đẩy mạnh số lượng cơ sở giết mổ tập trung cũng là một phương án để nâng cao công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc. Bởi, tỷ lệ chăn nuôi theo quy mô nông hộ ở nước ta còn tương đối lớn (khoảng 30%) khiến việc đảm bảo từ chuồng trại đến bàn ăn còn gặp nhiều khoảng trống.
Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự phối hợp với doanh nghiệp, người dân, Cục Thú y khuyến nghị địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của virus, nhất là cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống. “Cục Thú y cam kết hỗ trợ nguồn lực, vật lực để cùng địa phương xây dựng, hoàn chỉnh bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Nguồn: nhachannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/