Chăn nuôi trâu và những điều bà con nên biết

Chan_nuoi_bo_0972502979
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Thay vì phục vụ sức kéo, hiện nhu cầu nuôi trâu lấy thịt hàng hóa đang rất triển vọng trở thành một nghề đem lại thu nhập tốt tại Việt Nam.

Tổng đàn giảm, nhưng sản lượng thịt tăng

Trong văn hóa Phương Đông, trâu là một trong 12 con giáp gọi là “Sửu” ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Con trâu có vị thế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đời sống văn hóa, dân sinh người nông dân Việt Nam.

Trâu được chia làm 2 nhóm giống: Trâu đầm lầy được nuôi để cày kéo và lấy thịt, hầu như không nuôi để lấy sữa. Trâu sông nuôi để lấy sức kéo và lấy sữa, chủ yếu có mặt từ Ấn Độ tới Ai Cập và cả châu Âu.

Có thể nói, con trâu là vật nuôi thân thiện với con người, việc nặng nhọc gánh lấy, lặng lẽ làm việc đóng góp công sức cho con người, thức ăn không kén chọn, dễ nuôi, có khả năng chịu đựng kham khổ, chống đỡ tốt bệnh tật.

Trâu không cạnh tranh lương thực với con người, thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ và các phụ phẩm cây trồng. Hàng năm, trâu đóng góp một lượng thực phẩm chất lượng cao cho người dân Việt Nam.

Theo Tổng Cục thống kê, năm 2019 cả nước có trên 2,3 triệu con trâu, trong đó khu vực Trung du miền núi phía Bắc trên 1,3 triệu con (chiếm 55,7%), ít nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (23.000 con, chiếm 0,9%).

Số lượng trâu có chiều hướng giảm qua các năm, tính từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm giảm 1,77%. Miền núi trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ có điều kiện tự nhiên và nguồn thức ăn phong phú, thích hợp nhất cho phát triển chăn nuôi trâu. Sự phát triển một cách liên tục và ổn định đàn trâu vùng núi trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ cho thấy người dân ở vùng này có tập quán và kinh nghiệm chăn nuôi trâu tốt.

Phát triển chăn nuôi là một trong những biện pháp tạo công ăn việc làm để sử dụng tốt hơn và có hiệu quả lực lượng lao động nông thôn. Mặc dù tổng đàn trâu giảm nhẹ hàng năm, nhưng tổng lượng thịt trâu của cả nước (94.479 tấn năm 2019) lại tăng bình quân 2,94% năm kể từ năm 2016. Thịt trâu có xu hướng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, thể hiện ở việc tăng sản lượng thịt hàng năm.

Giá trị dinh dưỡng bất ngờ của thịt trâu

Do từ xa xưa dân ta nuôi trâu để cày kéo là chính, khi trâu già mới làm thịt cho nên có thời gian dài thành kiến với thịt trâu. Thực ra, thịt trâu có giá trị dinh dưỡng không khác gì thịt bò. Cụ thể, các nghiên cứu, phân tích cho thấy thịt trâu có hàm lượng nước là 76,6%, protein 19%, tro 1%. Thịt trâu có mầu đỏ hơn thịt bò vì nhiều sắc chất hơn, nhưng mỡ thì trắng và có ít trong thịt (mỡ giắt 2 – 3% trong khi ở thịt bò là 3 – 4%).

Đặc biệt, thịt trâu do ít mỡ nên lượng calo chỉ bằng 70% so với thịt bò, hàm lượng cholesterol cũng thấp hơn (82g/87g tính theo 100g), nhưng sắt giầu hơn 15 – 20%, vitamin B12 cao hơn 8 – 14% so với thịt bò.

Người Ý coi thịt trâu là loại thịt bổ do các đặc điểm nêu trên và còn do thịt trâu có khá nhiều acid béo omega-3 như EPA (Eicosapentoenoic Acid, C20:53) và DHA (Docosahexaenoic Acid, C22:63), các acid béo này chữa được nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ.

Mỡ trâu còn có cả CLA (Conjugated Linoleic Acid), một loại mỡ trans tự nhiên tạo ra từ các loại vi khuẩn sống trong dạ cỏ, mỡ này không độc như mỡ trans nhân tạo mà còn ngăn ngừa được ung thư, hạ thấp cholesterol xấu (LDL) và mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh đái tháo đường.

Gần đây các nhà khoa học nước ta cũng đã bắt đầu chú ý đến việc nuôi trâu lấy thịt. Khả năng cho thịt của trâu không thấp như mọi người vẫn nghĩ. Theo tài liệu công bố của GS.TS Vũ Duy Giảng, trâu 18 – 24 tháng tuổi đem vỗ béo trong 3 tháng cho tăng trọng 680 – 700g/ngày (tăng trọng cỡ này không thua kém bò, bò lai Sind vỗ béo tăng trọng cũng chỉ đạt từ 600 – 800 g/ngày).

Trong xu thế phát triển của đất nước hiện nay, nhu cầu về thực phẩm tăng lên không ngừng, nhằm cải thiện dinh dưỡng cho con người nên trong tương lai, nuôi trâu để khai thác thực phẩm (thịt, sữa) mới là hướng chính chứ không chỉ là cung cấp sức kéo như hiện nay.

Cần quân tâm phát triển đần trâu như bò thịt

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu chọn lọc, cải tạo giống trâu theo hướng thịt đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, các địa phương quyết liệt chỉ đạo thông qua các chương trình nghiên cứu, các dự án, chương trình khuyến nông… và đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Đàn trâu cái tại các địa phương đã được chọn lọc tốt để giữ lại những trâu có khối lượng trên 350kg sử dụng làm giống. Sử dụng trâu đực có tầm vóc to (khối lượng trên 450kg) để sử dụng phối giống trực tiếp tại các địa bàn giao thông khó khăn chưa thể áp dụng thụ tinh nhân tạo. Đồng thời, trâu đực giống cũng được luân chuyển (đảo trâu đực giống) giữa các địa phương để tránh hiện tượng đồng huyết.

Kết quả đàn nghé sinh ra từ đàn cái được chọn lọc và trâu đực giống khối lượng lớn đã tăng khối lượng cao hơn so với nghé nội đại trà từ 10-15%, đồng thời nghé nhanh lớn, ngoại hình đẹp và bán giá cao hơn.

Các nhà khoa học tại Viện chăn nuôi (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Núi và các đơn vị khác) đã nghiên cứu sản xuất tinh cọng rạ trâu thành công năm 2011, các nghiên cứu về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu (đạt tỷ lệ phối giống trên 50%), kỹ thuật phát hiện động dục… đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải tạo đàn trâu địa phương theo hướng thịt thông qua thụ tinh nhân tạo.

Từ kết quả đó, tinh trâu Murrah, trâu Thái Lan, trâu nội (trâu có khối lượng lớn) đã được sản xuất hàng loạt và ứng dụng trên 10 tỉnh phía Bắc, hàng năm tạo ra hàng nghìn trâu lai hướng thịt có khối lượng cao hơn trâu nội từ 20-30%.

Tuy nhiên, phát triển trâu hướng thịt vẫn còn nhiều hạn chế như phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, rất ít các hộ chăn nuôi tập trung hàng hóa, vẫn chăn nuôi theo kiểu tận dụng, ít đầu tư do vậy hiệu quả thấp. Các doanh nghiệp hầu như không mặn mà đầu tư phát triển chăn nuôi trâu.

Công tác giống vẫn ít được chú trọng, các giống trâu tốt trên thế giới hầu như chưa được nhập vào nước ta (hiện mới chỉ có trâu Murrah được nhập vào nước ta những năm 70, trâu Thái lan nhập năm 2017), trong khi đó hầu hết các giống bò thịt, sữa tốt nhất thế giới đều đã thường xuyên được nhập để cải tạo giống.

Rất ít đơn vị tập trung chuyên nghiên cứu chăn nuôi trâu, hiện nay chỉ có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Núi và Trung tâm Nghiên cứu gia súc lớn miền Nam (Viện Chăn nuôi) nghiên cứu và giữ giống gốc trâu. Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về trâu cũng không nhiều. Đầu tư của nhà nước về nghiên cứu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị, các chương trình, đề tài, dự án cho nghiên cứu chăn nuôi trâu cũng rất hạn chế.

Mặc dù con trâu hiện nay không phải “Đầu cơ nghiệp” nhưng chúng vẫn có vai trò quan trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc miền Núi, vẫn mãi là con vật thân thiết, gần gũi với người nông dân Việt Nam, vì vậy phát triển chăn nuôi trâu vẫn cần được nhà nước đặc biệt quan tâm, nhất là theo hướng hàng hóa, vỗ béo lấy thịt, để con trâu đóng góp nhiều hơn nữa cho người nông dân theo đúng vai trò vốn có của nó.

Nguồn: disantrauviet.vn

Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu

Địa chỉ kho: số 23, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 0972502979

Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com

Website: https://thietbichannuoibo.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo

0972.502.979