Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức cho phép sử dụng nguồn protein động vật có nguồn gốc từ côn trùng làm thức ăn chăn nuôi, cho gia cầm và lợn.
Bước tiến mới
Các nền tảng quốc tế của Côn trùng cho Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (IPIFF), thuộc Hiệp hội ngành Côn trùng châu Âu, có trụ sở tại thủ đô Brussels (Bỉ) hôm nay dẫn nguồn tin từ tạp chí chuyên ngành chính thức của EU cho biết: Quy chế số 2021/1372 của Ủy ban châu Âu đã cấp phép sử dụng nguồn protein động vật đã qua chế biến có nguồn gốc từ côn trùng được dùng làm thức ăn cho gia cầm và lợn.
Chủ tịch IPIFF, bà Adriana Casillas cho biết: “Ngành của chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh bước đi cuối cùng này trong quá trình cấp phép cho protein côn trùng được dùng trong thức ăn cho gia cầm và lợn. Theo lộ trình chính sách của IPIFF, động thái phê duyệt này đã thể hiện đây là một trong những ưu tiên lớn nhất của tổ chức này kể từ khi thành lập”.
Giới chuyên gia nhìn nhận, việc phê duyệt côn trùng được dùng làm thức ăn chăn nuôi cũng được coi là một bước đột phá trong sự phát triển của ngành côn trùng châu Âu. Sự chấp thuận này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu “Farm to Fork” (từ trang trại đến bàn ăn), bởi nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi tuần hoàn trong sản xuất lương thực, đồng thời cải thiện tính bền vững và khả năng tự cung tự cấp của ngành chăn nuôi châu Âu.
Theo Phó Chủ tịch thứ nhất của IPIFF, Aman Paul, sau khi cho phép côn trùng được dùng làm thức ăn cho ngành nuôi trồng thủy sản vào tháng 7 năm 2017, chúng tôi coi việc phê duyệt này là một bước đi hợp lý vì gia cầm là loài ăn côn trùng và động vật như lợn là loài ăn tạp”.
Ông Christophe Trespeuch, Tổng thư ký IPIFF cho hay, bước tiến mới thể hiện nỗ lực cải cách luật pháp lần này cũng hứa hẹn mang lại cơ hội mới cho ngành chăn nuôi gia cầm và lợn, bởi côn trùng là nguồn protein chất lượng cao tự nhiên cho các loài động vật không nhai lại.
Theo lộ trình, sự cho phép này dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9 tới, tức 20 ngày sau khi điều luật được công bố trên tạp chí chuyên ngành chính thức của EU.
Trên thực tế thì các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp vừa đắt đỏ (chiếm tới 70% chi phí sản xuất vì 90% nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu) và không phải là một lựa chọn bền vững.
Thức ăn chăn nuôi bền vững
Cách nay 5 năm, công ty khởi nghiệp ở Úc Goterra đã tạo lập một trang trại nuôi ruồi lính đen tạo ra ấu trùng để nghiên cứu cách thức quản lý chất thải bền vững chống biến đổi khí hậu và tạo ra một nguồn thức ăn chăn nuôi thay thế.
Ấu trùng ruồi lính đen được cho ăn chất thải, bao gồm thực phẩm dư thừa từ công sở, nhà hàng, bã cà phê, nho và chất thải nông nghiệp như vỏ lúa mì, phụ phẩm rượu vang sau đó sẽ nhanh chóng chuyển đổi những thứ này thành chất dinh dưỡng. Khi ấu trùng đã phát triển thành nhộng và hoàn thành nhiệm vụ phân hủy chất thải sẽ được đưa đến phòng xử lý khử trùng để làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Theo Phys.org, các nghiên cứu đã chứng minh rằng ngành nuôi dế sẽ là một hướng đi bền vững để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể các nhà khoa học đã so sánh việc nuôi dế ở Thái Lan với chăn nuôi gà thịt cho thấy, có 15 tác động môi trường khác nhau được ghi nhận bao gồm: tiềm năng gây nóng lên toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên và phú dưỡng…Trong hầu hết các trường hợp, chăn nuôi dế đều có tác động thấp hơn chăn nuôi gà thịt.
“Nghiên cứu này rất kịp thời vì hiện có nhiều bên liên quan khác nhau đang rất quan tâm đến côn trùng nuôi. Nhiều người đã xem côn trùng như một hướng đi để giảm gánh nặng môi trường đối với hoạt động chăn nuôi. Chưa kể côn trùng, trong nhiều trường hợp còn có thể sánh ngang với thịt và cá về mặt về giá trị dinh dưỡng- có nghĩa là chúng đại diện cho một tiềm năng to lớn trong việc giảm tác động của việc sản xuất thực phẩm”, Afton Halloran, tác giả chính của nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn