QUẢNG NINH Là huyện miền núi có trên 35.000 ha rừng và cây ăn quả tập trung, Tiên Yên (Quảng Ninh) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Sở hữu gần 20 ha rừng, ông Đào Trọng Nghĩa (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) có cơ sở để phát triển đàn ong mật của mình. Hàng năm hoa rừng nở nhiều, là nguồn thức ăn lý tưởng cho ong. Ngoài ra, vị trí khu rừng lại khá tách biệt với khu dân cư nên ít có tác động từ bên ngoài đến đàn ong của ông Nghĩa.
Ông Nghĩa cho biết, nếu mưa nhiều sẽ làm giảm số lượng hoa và phấn hoa, đồng nghĩa với giảm lượng thức ăn tự nhiên và quy trình tạo mật tự nhiên của con ong. Nắm bắt được yếu tố này, ông đã chủ động điều chỉnh chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho đàn ong. Nhờ vậy sản lượng, chất lượng mật ong luôn đảm bảo.
Nhận thấy khâu liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch rất quan trọng, quyết định đến doanh thu, lợi nhuận của mô hình sản xuất nên từ năm 2017, ông Nghĩa đã phối hợp với 7 hộ nuôi ong khác trong khu vực thành lập HTX Khai thác, Chế biến mật ong Tiên Yên, với mục tiêu chuyển giao quy trình làm mật ong chuẩn và nâng cao số lượng sản phẩm mật, đáp ứng các kênh thương mại chuyên nghiệp.
Ông đưa sản phẩm mật ong của HTX dự thi và được chấm chính thức nằm trong danh mục sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Năm 2018, sản phẩm mật ong của HTX đạt 3 sao.
Hiện sản phẩm mật ong Tiên Yên của HTX có mặt ở nhiều trung tâm thương mại uy tín của tỉnh cũng như miền Bắc. Doanh thu hằng năm của HTX khoảng 1 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu của ông Nghĩa trên 500 triệu đồng.
Ông Tằng Sinh Pẩu, xã Yên Than, huyện Tiên Yên cho biết, những năm 2000, nghề nuôi ong mật ở huyện Tiên Yên chưa phát triển nên rất ít gia đình nuôi. Riêng ông Pẩu có thuận lợi hơn so với các hộ gia đình nuôi ong khác trên địa bàn huyện, bởi gia đình ông đã gắn bó với nghề nuôi ong từ nhiều năm trước.
Ông Pẩu cho biết, để mua được một đàn ong mật phải mất từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Do vậy, những ai yêu thích nghề nuôi ong đều phải lặn lội lên rừng tìm tổ, sau đó đưa về nuôi tại nhà. Nói thì dễ nhưng khi thực hiện mới khó và nguy hiểm vì chỉ cần sơ sẩy là ong sẽ vỡ tổ hoặc tấn công người, mà loại ong này đốt đau không cẩn thận là sốt rét.
Sau một năm lặn lội khắp các cánh rừng trên địa bàn huyện Tiên Yên, ông Pẩu đã tìm được 2 đàn ong để đưa về nhà nuôi. Nhờ cần cù chịu khó, ham học hỏi, ông đã phát triển thêm được gần 20 đàn.
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn sẵn có, mỗi năm ông Pẩu đã thu về trên 100 lít mật, giá 1 lít mật bán ra thị trường được 70.000 đồng, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông cũng thu về gần 10 triệu đồng.
Để mật ong đảm bảo chất lượng, con ong không bị bệnh, hàng ngày, ông phải thức khuya dậy sớm để đảo cầu, cắt ong nhộng đực bỏ đi và thường xuyên kiểm tra ong chúa. Cách đánh mật đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, lấy cầu ong ra nhẹ nhàng, rũ ong xuống để không làm tổn thương cho đàn ong mật.
Cũng theo ông Pẩu, thời gian nuôi ong tốt nhất là từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau, vì đây là thời điểm ong cho nhiều mật, ít mắc bệnh nhất. Vào mùa đông khan hiếm hoa nên phải chăm sóc ong cẩn thận.
Nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Tiên Yên hiện nay tập trung nhiều nhất ở các xã vùng cao như Phong Dụ, Điền Xá, Yên Than, Đại Dực với trên 100 hộ nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi ong lấy mật ở đây chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm. Việc tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ong chưa được mọi người chú trọng, nên cứ một thời gian là ong lại bỏ đi hoặc bị bệnh.
Nuôi ong đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Tiên Yên. Để nghề nuôi ong phát triển mạnh, thời gian tới huyện Tiên Yên cũng như các ngành chức năng cần tập trung quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ nông dân tham gia mô hình đồng thời tăng cường tập huấn kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm mật “sạch”, bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nguồn: nongnghiep.vn