Chat hỗ trợ
Zalo

   

Kỹ thuật nuôi heo nái – Các bước xử lý khi heo nái đẻ

Kỹ Thuật Nuôi Heo Nái , Các Bước Xử Lý Khi Heo Nái đẻ_công Ty Á Châu_0972502979
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Kỹ thuật nuôi heo nái mang thai đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau khi đẻ luôn luôn được các nhà chăn nuôi vô cùng coi trọng vì vai trò quyết định của nó lên doanh thu của toàn trại. Với mục đích chính là nâng cao sức khỏe cho cả heo mẹ và heo con, giảm thiểu tối đa mọi rủi ro đối với cả heo mẹ và heo con trong quá trình đẻ, hạn chế sự phát sinh và lây lan dịch bệnh từ đó góp phần nâng cao năng suất sinh sản cho cả đàn heo cũng như tạo ra những sản phẩm giống lợn có chất lượng cao, an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

Bài viết sẽ dành nhiều thời gian bàn về tất cả các công việc cũng như những lưu ý cần thiết trong quá trình đẻ của heo mẹ. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề chính, chúng ta sẽ nói qua về những công việc cần tiến hành để chuẩn bị cho ngày heo nái đẻ.

Kỹ thuật nuôi heo nái - heo nái đang đẻ.
Kỹ thuật nuôi heo nái – heo nái đang đẻ. 
 Công việc cần chuẩn bị trước khi heo nái đẻ
Thời gian trước ngày đẻ dự kiến Công việc cần làm cho heo mẹ
14 ngày – Phòng E.coli.- Tẩy giun sán lần 01.
7 ngày  – Vệ sinh sát trùng sạch sẽ chuồng nái đẻ.- Tắm rửa cho heo mẹ sạch sẽ.- Tẩy gian sán lần 02.- Chuyển heo mệ từ chuồng bầu xuống chuồng nái đẻ.Lưu ý: Giai đoạn này nước uống cho heo cần luân đầy đủ 45 lít/ngày và tốc độ nước qua núm uống cần đạt 2 lít/phút
2 – 3 ngày  – Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho quá trình trợ sản như: ô úm heo; sổ ghi chép heo nái; kìm bấm và kéo để cắt đuôi; nước sát trùng khoảng 1 chén nhỏ và đặc và một xô đã pha loãng với nước sạch để vệ sinh cơ thể heo mẹ nếu cần thiết; dây buộc rốn; bột lăn; giẻ sạch; đèn và máy phát điện (đề phòng mất điện)- Chuẩn bị các thuốc cần thiết: kháng sinh có tác dụng kéo dài (LA), oxytoxin, PGF2α . . .- Theo dõi sát sao đề phòng heo mẹ đẻ trước ngày đẻ dự kiến.
0 – 1 ngày – Phát hiện heo nái đẻ: căn cứ vào thời gian phối giống và trạng thái cơ thể heo (xem chi tiết bên dưới).- Giảm ăn hoặc không cho heo ăn.- Nếu tới ngày đẻ dự kiến mà heo nái vẫn không đẻ thì tiêm cho nó một mũi kích thích PGF2α.

Kỹ thuật phát hiện heo nái đẻ:

– Căn cứ vào lịch phối giống: trung bình heo nái mang thai 114 ngày, vì vậy phải có sổ ghi chép lịch phối giống để có dự kiến ngày đẻ.

– Căn cứ vào trạng thái cơ thể heo:

+ Hiện tượng làm ổ: heo nái trước khi đẻ thường có biểu hiện cắn ổ, tha rác để làm ổ đẻ.

+ Trạng thái thần kinh: trước khi đẻ heo nái thường bồn chồn, đi lại nhiều, bỏ ăn.

+ Trạng thái cơ quan sinh dục: trước khi đẻ 1-2 ngày, cơ quan sinh dục bên ngoài có những thay đổi rõ rệt. Âm môn phù to, nhão ra và xung huyết nhẹ, đầu núm vú căng to, tĩnh mạch vú nổi rõ ràng.

+ Sữa đầu cũng là 1 yếu tố tin cậy để xác định heo đã sắp đẻ chưa, heo nái trước khi đẻ 3 ngày cặp vú đã tiết ra nước trong. Trước khi đẻ 1 ngày có thể vắt được vài giọt sữa màu trắng. Khi cặp vú phía trước đã vắt được vài giọt sữa đầu thì chỉ nửa ngày sau heo sẽ đẻ. Nếu cặp vú sau cũng vắt được sữa đầu thì chỉ vài giờ sau heo sẽ đẻ.

Cơ sở khoa học của việc tiêm PGF2α cho những heo chậm đẻ:

Hoocmon Prostaglandin có nhiều loại, nhưng loại có hoạt tính mạnh nhất là PGF2a. Tác dụng chủ yếu của nó là:

– Phá vỡ màng noãn bao để gây rụng trứng.
– Phá huỷ thể vàng, nang nước trên buồng trứng, gây động dục.
– Gây hưng phấn ống sinh dục, tăng cường nhu động tử cung, kích thích mở cổ tử cung.

Do đó, Prostaglandin ứng dụng trong công nghệ gây đẻ nhân tạo và trợ sản ở những ca đẻ khó…

Quá trình heo nái đẻ của heo chia làm 3 giai đoạn chính:

Sau đây là 1 số biểu hiện chính của mỗi giai đoạn:

– Giai đoạn 1- giai đoạn chuẩn bị đẻ (2-12h):

+ Các cơ trong đường sinh dục từ co rút bất thường và ngắn chuyển sang co rút nhịp nhàng, đều đặn và có chu kỳ.
+ Cổ tử cung mở rộng làm cho tử cung và âm đạo thông suất với nhau.
+ Có dịch ối chảy ra, dịch ối có tác dụng bôi trơn đường sinh dục, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh đẻ.

– Giai đoạn 2 – giai đoạn đẩy thai ra (1-4h):

+ Các màng ối căng phồng và đẩy thai ra gần cổ tử cung nhất.
+ Lực co bóp lúc này là tổng hợp giữa lực co bóp của đường sinh dục, sự co bóp của cơ thành bụng và cơ hoành tạo thành 1 lực mạnh và được kéo dài.
+ Bào thai được đẩy ra ngoài.

– Giai đoạn 3 – cuống nhau ra ngoài:

+ Sau khi toàn bộ bào thai được đẩy ra ngoài hết, 10-15 phút sau màng nhau được đẩy qua âm đạo dưới tác dụng của các cơ co rút dạ con.
+ Nếu quá trình sổ nhau gặp trở ngại hoặc chậm trễ đều có thể gây ra hiện tượng viêm tử cung do ở những nơi có màng nhau, các chất dinh dưỡng được vận chuyển đến nhiều, quá trình oxy hóa tạo ra các chất độc gây ra viêm, hoại tử niêm mạc tử cung.

Như vậy, hiểu được bản chất của quá trình đẻ của heo sẽ giúp chúng ta chăm sóc heo trong quá trình sinh đẻ được tốt hơn nhiều. Từ đó, cải thiện đáng kể năng suất cũng như chất lượng đàn heo con cũng như đảm bảo sức khỏe cho heo nái sau sinh.

Kỹ thuật nuôi heo nái – đỡ đẻ cho heo.

Căn cứ vào lịch phối giống và quan sát các biểu hiện bên ngoài của heo để có kế hoạch trợ sản tốt nhất.

Nếu trước ngày đẻ dự kiến mà heo vẫn chưa có biểu hiện gì thì ta nên tiêm cho nó 1 mũi kích dục tố PGF2α (thuốc hẹn giờ đẻ), thông thường sau đó 12h thuốc có tác dụng và ta sẽ thấy heo nái có các biểu hiện của quá trình đẻ.

Khi gần đến giờ đẻ, lấy toàn bộ các dụng cụ ra, chuẩn bị sẵn sàng.

Khi heo con được đẻ ra, dùng khăn sạch lau khô người và vùng miệng. Việc làm này vừa giúp heo sạch sẽ lại vừa giúp lưu thông máu cho heo, đồng thời khi lau ta chú ý bóp các dịch nhầy trong mũi, miệng ra để cho heo con có thể thở được.

Trong nhiều trường hợp, người ta dùng bột lăn để lăn cho heo con. Nó có tác dụng làm sạch, ngoài ra, 1 số loại bột lăn còn giúp heo con giữ ấm và chống lại 1 số mầm bệnh ngoài môi trường.

kỹ thuật nuôi heo nái sinh sản - Lau heo con sơ sinh bằng bột lăn
Lau heo con sơ sinh bằng bột lăn

Sau đó, ta cắt rốn cho heo: dùng dây buộc rốn ở vị trí cách bụng 3-5cm → dùng kéo cắt ở phía dưới chỗ buộc 1cm rồi nhúng phần rốn đó vào chén nước sát trùng.

kỹ thuật nuôi heo nái sinh sản - Cắt rốn cho heo
Cắt rốn cho heo

Tiếp đến ta cắt đuôi cho heo con: dùng kìm bấm bấm chặt vào phần đuôi cách hậu môn 3-4cm, để 1 lúc cho máu không còn lưu thông qua chỗ bị bấm được nữa → dùng kéo cắt phần đuôi phía dưới chỗ bấm rồi nhúng phần đuôi vừa cắt vào chén nước sát trùng.

kỹ thuật nuôi heo nái sinh sản - Cắt đuôi cho heo
Cắt đuôi cho heo

Sau khi hoàn tất các thao tác → bỏ heo vào ô úm → 1 lúc sau khi heo đã ấm hơn → cho heo bú sữa đầu. Đây là việc làm rất có ý nghĩa với heo con vì hàm lượng kháng thể rất cao trong sữa đầu là nguyên nhân giúp heo chống chọi lại với các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Theo dõi thường xuyên những biểu hiện của heo nái trong toàn bộ quá trình đẻ, nếu có biểu hiện bất thường thì ta phải có biện pháp xử lý ngay.

Cụ thể:
– Nếu heo nái đẻ chậm, ta tiêm ngay cho nó 1 mũi oxytoxin để tử cung tăng co bóp → tống heo con ra ngoài.
– Nếu trong quá trình đẻ, heo nái bẩn quá → ta dùng nước ấm pha với thuốc sát trùng loãng lấy giẻ sạch nhúng vào nước đó và lau qua cho heo, nhất là vùng thân sau. Lưu ý:

  • Chỉ tiêm oxytoxin khi cổ tử cung của heo mẹ đã mở (khi đã có dịch ối chảy ra ngoài).

Kỹ thuật nuôi heo nái sau sinh

Sau khi con heo con cuối cùng sinh ra, tiêm cho heo mẹ 1 mũi oxytoxin để tống hết nhau thai và sản dịch ra ngoài → sạch tử cung → tránh các bệnh như sót nhau, nhiễm trùng đường sinh dục cái. Sau đó thu nhặt toàn bộ nhau thai sau khi ra nhau, tránh để heo mẹ ăn nhau dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Tiếp đến tiêm cho heo mẹ 3 mũi kháng sinh chống viêm có tác dụng kéo dài. Một mũi sau khi sinh tầm 6-8h và 2 mũi sau cách mũi 1 và cách nhau 24h. Thông thường người ta vẫn chọn kháng sinh Amoxicilin vì nó rất an toàn cho heo mẹ.

Vệ sinh cơ quan sinh dục bằng nước sinh lý hoặc thuốc tím. Vệ sinh bầu vú và vùng mông phòng mầm bệnh.
Cung cấp đủ nước uống, thức ăn cho heo mẹ. Khẩu phần ăn tăng dần sau khi sinh. Thời gian nuôi con cho heo mẹ ăn tự do theo nhu cầu. Máng ăn phải luôn sạch sẽ, khô ráo.

Đảm bảo môi trường sống hợp lý: Nhiệt độ = 27-30ºC; độ ẩm < 90ºC; vận tốc không khí = 0,5 – 15 met/giây.

Quy trình thuốc, vaccine cho heo nái sau sinh
Thời gian Thuốc, vaccine
 Ngay sau khi đẻ – Dùng thuốc sát trùng vệ sinh bầu vú và vùng mông phòng các mầm bệnh.- Tiêm oxytoxin → tống nhau thai và sản dịch ra ngoài.
 Sau đẻ 6- 8h – Tiêm kháng sinh có tác dụng kéo dài phòng viêm vú, nhiễm trùng.- Tiêm thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt
Sau đẻ 24h – Có thể dùng thuốc kích thích khả năng tiết sữa cho heo nái.
sau đẻ 2 tuần – Trộn kháng sinh tổng hợp phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa từ mẹ chuyền sang con.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ chết phôi:

  • Yếu tố di truyền: nhân giống cận huyết làm tăng tỷ lệ chết phôi.
  • Dinh dưỡng: tỷ lệ chết phôi cao trong những trường hợp.
  • Mức năng lượng cao trong những ngày đầu sau phối giống.
  • Khẩu phần có hàm lượng protein cao.
  • Thức ăn kém phẩm chất.
  • Thức ăn thiếu vitamin A, E.
  • Thời gian phối giống.
  • Yếu tố môi trường.
  • Chăm sóc heo nái trong thời gian mang thai.
  • Tuổi của heo nái.

Như vậy, quá trình hộ sản được gọi là thành công khi toàn bộ heo con sinh ra khỏe mạnh, không có heo con bị chết trong khi sinh. Heo nái sau sinh phục hồi nhanh, khỏe mạnh. Heo mẹ và heo con không mắc các bệnh do nhiễm khuẩn.

Nắm được cơ sở khoa học của quá trình đẻ cũng như kỹ thuật đỡ đẻ sẽ giúp người chăn nuôi dễ dàng, chủ động trong suốt quá trình đẻ của heo, từ đó nâng cao năng suất sinh sản cũng như phẩm chất đàn heo giống nhằm góp phần nâng cao lợi nhuận cho trại.

Nguồn: VietDVM

Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu

Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 0972502979

Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com

Website: https://thietbichannuoibo.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo

0972.502.979