Cách xác định tình trạng của lớp độn chuồng trong chăn nuôi gia cầm
Làm thế nào để bạn có thể xác định độ ẩm của chất độn chuồng trong chuồng nuôi nhà bạn đang ở mức thích hợp là khoảng 20-25%? Bài viết này là một thử nghiệm thực tế của các nhà nghiên cứu thuộc công ty Ziggity có liên quan đến việc thu thập chất độn chuồng phần phía dưới đường ống nước và ép chúng lại.
Nếu sau khi vo và ép tròn mà “quả bóng chất độn chuồng” vẫn dính chặt lấy nhau thành một khối thống nhất và không chịu tan ra thì lớp độn chuồng đó đang quá ướt. Ngược lại, nếu chúng tan ngay trên tay bạn thì chúng quá khô. Chúng chỉ đạt yêu cầu độ ẩm ở mức 20-25% khi ban đầu chúng vẫn dính với nhau thành một khối nhưng sau đó bắt đầu tan dần trên tay bạn.
Đối với những trường hợp quá khô hay quá ướt, bạn cần tăng hoặc giảm áp lực dòng nước chảy trong đường ống nước và kiểm tra lại sau 24h.
Tại sao việc kiểm tra tình trạng chất độn chuồng chăn nuôi gia cầm lại quan trọng?
Lý do chính để chúng ta nên hạn chế tối đa việc làm ướt chất độn chuồng là để ngăn ngừa việc nồng độ amoniac tăng cao quá mức trong chuồng nuôi. Amoniac hình thành do sự tương tác giữa nước và phân gia cầm nên nếu chuồng nuôi quá ướt sẽ làm tăng nồng độ amoniac lên cao – điều này không tốt cho sức khỏe của con vật và cả những công nhân làm việc trực tiếp trong các trang trại chăn nuôi gia cầm.
Thông thường chúng ta có thể phát hiện ra sự có mặt của amoniac ở mức 15 phần triệu (ppm). Tuy nhiên, phơi nhiễm quá lâu sẽ làm giảm độ nhạy của mũi nên một số người sau khi làm việc nhiều năm trong trang trại chăn nuôi gia cầm đã không thể phát hiện ra sự có mặt của amoniac ở mức 50 ppm, một mức độ được coi là đe dọa đến sức khỏe con người.
Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ nói rằng con người không nên tiếp xúc với amoniac ở nồng độ 25 ppm trong 8 giờ hoặc lâu hơn và thời gian tiếp xúc với amoniac ở nồng độ 35 ppm không được vượt quá 15 phút.
Đồng thời, amoniac trong lớp độn chuồng là nơi có nồng độ mạnh nhất. Khi gia cầm ở trên lớp độn chuồng đó, amoniac sẽ hòa tan với chất lỏng xung quanh mắt của gia cầm, gây kích ứng và viêm mắt. Với nồng độ cao hơn, gia cầm có thể bị mù.
Ngay cả khi nồng độ amoniac trong các trang trại chăn nuôi gia cầm ở mức 5 ppm (không thể phát hiện được bằng mũi người), thì các lông mao trong đường khí quản của gia cầm cũng bị tổn thương và phá hủy bởi amoniac dẫn đến lớp lót khí quản bị ăn mòn và trở nên nhạy cảm với các mầm bệnh. Nhất là các virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của gia cầm một cách đáng kể.
Các bệnh có nguyên nhân bắt nguồn từ amoniac thường có ít hoặc không có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài nên thường thì đàn gia cầm đã bị tổn thương đáng kể trước khi người chăn nuôi có thể nhận ra. Để hạn chế thiệt hại, người chăn nuôi có thể chủng ngừa cho đàn gia cầm nhưng tăng trọng nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với các tổn thương về hô hấp, nồng độ amoniac quá mức cũng có thể gây tổn thương bàn chân, nổi nốt mụn nhọt ở ngực, bỏng da và đóng vảy, tất cả đều làm giảm chất lượng thân thịt, giảm lợi nhuận trong chăn nuôi gia cầm.
Với việc quản lý thật tốt hệ thống uống nước, bạn có thể giữ cho nồng độ ammonia thải ra ở mức tối thiểu và duy trì một môi trường lành mạnh để thúc đẩy tăng trưởng của gia cầm và giữ an toàn cho những người làm việc trực tiếp trong trại.
Nguồn: VietDVM
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo