Nuôi ong là nghề truyền thống từ lâu đời ở nước ta, mang lại giá trị kinh tế cao nhờ không tốn nhiều diện tích, nhân lực lao động và chi phí đầu tư ban đầu.
Mục lục
Lựa chọn đàn ong giống
Phải có nguồn gốc rõ ràng. Ong chúa dưới 6 tháng tuổi, không nhiễm bệnh ấu trùng, ong thợ đậu kín 2 mặt cầu, bánh tổ mới, màu vàng và có đủ trứng, ấu trùng, nhộng, mật phấn dự trữ.
Chọn địa điểm
Gần nguồn mật, phấn hoa, khoảng cách kiếm ăn hiệu quả từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500 – 700 m. Chỗ đặt thùng ong cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không ngập lụt về mùa mưa. Trong điều kiện có đầy đủ nguồn mật, phấn nên bố trí đặt đàn ong với mật độ 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các đàn tối thiểu 2 km đối với những đàn có quy mô tối đa 100 thùng.
Dụng cụ nuôi
– Thùng ong: Sử dụng loại thùng gỗ có kích thước 45 x 25 cm. Để ong dễ nhận biết tổ của mình và chống ẩm mốc, nên sơn màu cho thùng. Thùng nuôi ong cần đặt ở vị trí thoáng mát, cách mặt đất 30 cm, cửa tổ quay hướng Nam để giúp tránh nắng, rét. Mỗi thùng đặt 5 – 6 cầu ong và các thùng cách nhau 3 – 4 m.
– Dụng cụ khác: Mũ lưới, bộ tạo chúa, bộ gắn tầng chân, lưới lọc mật, dao cắt mật, thùng quay mật…
Cần phòng trừ địch hại trong quá trình nuôi ong – Ảnh: Kim Huyên
Tạo chúa
Trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra duy trì những ong chúa tốt cho mỗi đàn. Theo định kỳ 6 – 9 tháng thay chúa 1 lần. Khi phát hiện ong chúa già năng suất đẻ thấp, cần thay thế ong chúa bằng cách kích thích đàn ong tạo ong chúa. Ong chúa tốt có kích thước lớn, đẻ nhiều trứng, tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Có các phương pháp tạo ong chúa như sau:
– Sử dụng mũ chúa chia đàn tự nhiên: Vào mùa ong chia đàn tự nhiên chọn các mũ chúa to, dài, thẳng từ những đàn ong chia đàn đông quân nhiều cầu, khỏe mạnh. Dùng dao sắc cắt trên gốc mũ chúa 1,5 cm theo hình chữ V để gắn vào đàn ong cần thay chúa.
– Tạo chúa cấp tạo: Chọn đàn theo tiêu chuẩn tụ đàn lớn, năng suất mật cao, không nhiễm bệnh ấu trùng, hiền lành để tạo chúa. Tiến hành bắt chúa khỏi đàn, loại bỏ 1 – 2 cầu, sau 2 – 3 ngày kiểm tra loại bỏ tất cả các mũ chúa trên bề mặt bánh tổ và mũ chúa đã vít nắp, cho đàn ong ăn 3 – 4 tối liên tục, 9 – 10 ngày sau cắt những mũ chúa đã chín để sử dụng.
– Tạo chúa di trùng: Tách chúa khỏi đàn mạnh, không bị bệnh. Sau 2 giờ di ấu trùng 1 ngày tuổi vào các chén sáp gắn trên các thang của cầu tạo chúa cho vào đàn đã bắt chúa. Cho đàn ong ăn thêm 3 – 4 tối. Sau 2 ngày vặt bỏ các mũ cấp tạo. Sau 9 – 10 ngày tách mũ chúa sử dụng. Gắn các mũ chúa vào đàn ong mới chia hoặc đàn ong có chúa già cần thay, khoảng 10 – 12 ngày sau, chúa mới sẽ đẻ trứng. Nếu chúa tơ bị mất, cần giới thiệu mũ chúa khác hoặc nhập đàn lại.
Xử lý hiện tượng chia đàn
Chia đàn song song: Là chia 1 đàn ong ban đầu thành 2 đàn ong mới đặt song song với nhau cách đều vị trí ban đầu. Vào buổi chiều, những ngày thời tiết nắng ấm đem thùng không có ván ngắn đã vệ sinh sạch sẽ đặt cạnh đàn định chia, chia đều số cầu, số quân, số con (trứng, ấu trùng, nhộng) thức ăn về 2 đàn ong. Đặt 2 thùng ong song song với nhau về hai bên và cách vị trí đàn cũ khoảng 20 – 30 cm, cần biết rõ ong chúa ở đàn nào để giới thiệu chúa vào đàn không chúa. Quan sát ong đi làm về, nếu đàn nào về nhiều cần dịch ra xa và đặt đàn kia gần lại. Trường hợp ong vẫn về 1 đàn sau khi điều chỉnh cần đổi vị trí 2 đàn cho nhau. Chú ý nếu chia đàn sử dụng mũ chúa, khi chúa tơ đã tập bay thì không được điều chỉnh vị trí đàn chia nữa.
Chia đàn rời chỗ: Là phương pháp chia một nửa đàn ong giống như chia song song hoặc tách một phần đàn rồi chuyển đến chỗ mới cách vị trí đàn cũ khoảng 1 km trở lên. Mang thùng không đặt cạnh đàn định chia. Tách 1 nửa hoặc một phần đàn với các cầu có mật vít nắp, phấn và con, quân phủ kín cầu cho vào thùng đến nơi có địa hình quang đãng. Tốt nhất nên để đàn giới thiệu mũ chúa lại, trường hợp giới thiệu mũ chúa vào đàn chuyển đi thì nên giới thiệu mũ chúa sau khi đàn ong đã được chuyển đến nơi mới.
Chăm sóc
Trong quá trình nuôi, đàn ong có thể sẽ gặp một số trường hợp như bị thiếu thức ăn hay nhiễm các bệnh thối ấu trùng, bị các kẻ thù phá hoại như sâu ăn sáp, kiến, ong rừng, sai sót trong kỹ thuật quản lý như đặt nơi không phù hợp, đàn ong bị chấn động… Vì vậy, người nuôi cần duy trì đàn ong có đủ mật, phấn dự trữ; Phòng trừ địch hại kịp thời, viện cầu tiêu chuẩn cho đàn ong sắp bốc bay, thường xuyên kiểm tra đàn ong.
Hàng năm vào tháng 7 – 8, tháng 1 – 2 ở phía Bắc và tháng 7 – 9 ở các tỉnh phía Nam, khi ngoài tự nhiên thiếu thức ăn hoặc do thời tiết xấu kéo dài ong không đi làm được, phải cho ong ăn bổ sung. Cách thực hiện như sau: Pha nước đường đặc, tỷ lệ 1,5 đường : 1 nước, cho ăn ít lần nhưng lượng nhiều, cho ăn 3 – 4 tối liên tục đến khi các lỗ mật vít nắp. Thông thường 1 đàn ong 3 cầu cho ăn khoảng 1 – 1,5 kg đường kính trắng.
Thu hoạch mật ong
Rửa sạch, phơi khô máy quay mật, dao cắt vít nắp, lưới lọc mật, đồ chứa mật.
Nơi quay mật phải sạch sẽ. Quay mật khi thấy ong đi làm nhiều, các bánh tổ có lỗ tổ mật vít nắp trắng, cơi cao (trên 70% lỗ tổ mật vít nắp), trên cây có khoảng 20 – 25% hoa nở. Nên quay vào buổi sáng để mật đặc hơn, không lẫn mật mới lấy về.
Bảo quản mật trong can, chai, có nút đậy kín; để nơi thoáng, mát, không để gần các chất có mùi như dầu hỏa, mắm tôm…
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/