Xuất phát từ việc tìm kiếm giải pháp rút ngắn thời gian chọn lọc giống, nhóm sinh viên đã thực hiện nghiên cứu “Phân tích đa hình gen Prolactin và ảnh hưởng của đa hình gen đến một số tính trạng sản xuất trứng trên nhóm vịt lai hướng trứng”. Công trình nghiên cứu của nhóm sinh viên Lê Tấn Lợi, Bùi Phạm Mỹ Lan, Nguyễn Thị Khánh Ly thuộc trường Đại học Nông lâm TP.HCM được phát triển nghiên cứu từ thế mạnh ứng dụng sinh học phân tử của thế hệ đi trước, kết hợp với phương pháp truyền thống để đưa ra giải pháp chọn lọc giống mới ở Việt Nam, qua đó có thể triển khai thương mại hóa.
Kế thừa từ nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử
Đối với ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta hiện nay, việc chăn nuôi vịt ngày càng được đẩy mạnh nhờ vào các giá trị dinh dưỡng từ thịt và trứng vịt, mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Số lượng đàn vịt chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (hơn 26 triệu con). Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực trạng xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung đã có tác động nhiều đến ngành thủy cầm. Nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Vigova đã tiến hành lai tạo tổ hợp lai vịt hướng trứng với ưu điểm chịu mặn tốt nhưng vẫn đảm bảo được năng suất trứng.
“Việc lai tạo và chọn lọc theo phương thức truyền thống cần nhiều thời gian để đánh giá các đặc điểm sản xuất qua thế hệ. Chẳng hạn, chúng ta cần 70 tuần để đánh giá hoàn thiện khả năng sản xuất ở vịt hướng trứng. Tại phòng thí nghiệm phôi, sinh học phân tử là thế mạnh của các anh chị khóa trước ứng dụng trong nghiên cứu biểu hiện gen ở tế bào trứng, hay phôi và hiện tại được chúng mình phát triển áp dụng vào di truyền phân tử”, Tấn lợi chia sẻ.
Từ những bước đi đầu tiên trên đã giúp nhóm hình thành ý tưởng nghiên cứu kết hợp chỉ thị phân tử với phương pháp truyền thống, với mục đích hướng tới hỗ trợ chọn lọc sớm trong giai đoạn sản xuất xuất giống trước khi con giống được đưa vào chăn nuôi thương mại.
Trong giai đoạn 6/2021 đến 6/2022, quá trình nghiên cứu được tiến hành qua nhiều giai đoạn từ việc hình thành ý tưởng, thu thập nguồn mẫu, cho đến bắt tay vào thực nghiệm, thu nhận kết quả và viết báo cáo.
Tấn lợi cho biết may mắn của nhóm là nhận được sự hỗ trợ của TS. Hoàng Tuấn Thành – Giám đốc trung tâm Vigova cùng với giảng viên hướng dẫn TS. Nguyễn Ngọc Tấn (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM). Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu nhóm cũng gặp không ít khó khăn như khi chạy mẫu ra kết quả không như mong đợi, gây tốn kém thời gian, công sức và chi phí. Xuất phát từ nền tảng chuyên ngành công nghệ sinh học nên những kiến thức về lĩnh vực chăn nuôi thủy cầm khá mới lạ. Từ những khó khăn đó, nhóm đã không ngừng nỗ lực để tìm hiểu và nghiên cứu.
Rút ngắn thời gian chọn lọc giống
Đối với các loài đẻ trứng nói chung và gia cầm nói riêng, năng suất trứng là một trong những đặc điểm quan trọng được người chăn nuôi quan tâm. Ở chim và gia cầm, hormone prolactin có vai trò điều khiển hành vi ấp trứng của gia cầm gây ra bởi sự tăng tiết prolactin trong suốt thời kỳ ấp trứng.
Một số đột biến điểm xảy ra trên của gen prolactin có thể làm thay đổi hành vi ấp trứng và từ đó ảnh hưởng năng suất trứng, đặc biệt là nhóm gia cầm bản địa. Vì thế, mối liên hệ giữa đa hình gen prolactin với các tính trạng sản xuất trứng cần được nghiên cứu để ứng dụng hỗ trợ trực tiếp cho công tác chọn tạo giống vật nuôi.
Từ kết quả của nghiên cứu có thể thấy đa hình gen prolactin có ảnh hưởng đến một số tính trạng sản xuất trứng trên vịt như: Cá thể mang kiểu gen CC trên locus PRL/PstI cho tuổi đẻ quả trứng đầu tiên sớm và năng suất trứng tính đến 38 tuần tuổi cao hơn nhóm vịt mang kiểu gen CT. Trên locus PRL/XbaI, nhóm cá thể mang kiểu gen TT có khối lượng trứng cao hơn. Như vậy để chọn cá thể vịt đẻ sớm, năng suất trứng lớn và khối lượng trứng cao chúng ta có thể lựa chọn các cá thể mang kiểu gen CC trên locus PRL/PstI và TT trên locus PRL/XbaI.
Tính đến nay, đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích sự ảnh hưởng của đa hình gen PRL đến tính trạng sản xuất trứng trên giống vịt lai hướng trứng ở nước ta.
“Chỉ thị phân tử từ kết quả của nghiên cứu này được xem như một công cụ hỗ trợ cho chọn lọc giống ở giai đoạn sớm, nhằm rút ngắn thời gian chọn lọc giống cho các nhà chọn tạo giống hiện nay về vịt nói riêng và vật nuôi nói chung”, Tấn Lợi nói về tính mới của kết quả nghiên cứu.
Hơn nữa, chỉ thị phân tử được thực nghiệm từ kết quả nghiên cứu này được ứng dụng vào quy trình chọn lọc giống tại đơn vị sản xuất con giống, ít nhất là thế hệ bố mẹ. Từ đó, thế hệ vịt thương phẩm sẽ mang kiểu gen phù hợp với tính trạng mong muốn để cung cấp ra thị trường cho người cho nuôi.
Hiện tại, thành quả từ đề tài đã được chuyển giao công nghệ và đang được ứng dụng vào trong chọn lọc giống tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm Vigova (trực thuộc Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ – Viện Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Từ đó có thể khảo sát, đánh giá cho thế hệ kế tiếp và ghép đôi theo kiểu gen mong muốn giữa dòng bố và mẹ trong hướng tạo vịt thương phẩm cung cấp cho thị trường. Đồng thời giúp mở rộng hướng ứng dụng đa hình gen prolactin trên một số giống gia cầm bản địa của Việt Nam.
Nguồn: Tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ & ST
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/