Việc tiêu thụ thịt thú rừng làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng chưa nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.
Đó là thông tin được chia sẻ tại cuộc họp báo do WWF và báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 21/10/2022, để ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị.
Họp báo phát động chiến dịch truyền thông thay đổi tiêu dùng thịt thú rừng
Chiến dịch được thực hiện tại ba quốc gia – Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Tại Việt Nam, WWF phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát động và thực hiện chiến dịch này.
Chiến dịch sẽ được thực hiện với sự tài trợ của WWF-Hoa Kỳ, do WWF-Việt Nam, Vụ Hợp tác Quốc tế, Báo Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng thực hiện. Chiến dịch sẽ bao gồm nhiều hoạt động gồm trực tuyến và ngoại tuyến nhằm tiếp cận các đối tượng mục tiêu để giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt rừng, đặc biệt những loài như cầy hương, khỉ và tê tê – những loài hay bị tiêu thụ nhiều nhất.
Đáng chú ý, chiến dịch sẽ có sự tham gia của các cá nhân có ảnh hưởng với cộng đồng, giúp chia sẻ thông điệp của chiến dịch và kêu gọi công chúng chấm dứt tiêu thụ thịt thú rừng. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng kêu gọi sự hỗ trợ, chung tay của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ cùng lan tỏa thông tin về chiến dịch trên các kênh truyền thông của họ. Để kêu gọi sự đồng hành của các tổ chức này, WWF-Việt Nam sẽ phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT đồng tổ chức hội thảo về tiêu thụ thịt thú rừng và nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Thịt thú rừng không đáng để đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng
“Trong chiến dịch này, chúng tôi mong muốn có thể giúp được người dân thành thị, là những người có thu nhập cao và có hiểu biết, tại các tỉnh thành thay đổi thói quen tiêu thụ thịt thú rừng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp họ chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Xây dựng một chiến dịch dựa vào động cơ của người tiêu dùng, chúng tôi hy vọng nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng và công chúng nói chung hiểu ra rằng tiêu thụ thịt thú rừng không đáng để họ đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người,” ông Nguyễn Văn Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF-Việt Nam cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.
Nhiều người ăn thịt thú rừng vì tin chúng bổ dưỡng và để chứng tỏ đẳng cấp. (Ảnh minh họa: WWF)
Việc tiêu thụ thịt thú rừng làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.
Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.
Nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã là góp phần phòng tránh được hiểm họa
TS Văn Ngọc Thịnh, CEO, WWF-VIỆT NAM chia sẻ, đại dịch Covid 19 được cho là có khả năng xuất phát từ động vật hoang dã, và Việt Nam là một trong số các nước có mức độ tiêu thụ động vật hoang dã cao.
Việc khai thác, tiêu thụ ĐVHD bao gồm săn bắn, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi giết mổ và tiêu dùng. Mỗi mắt xích trong quá trình này đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, đặc biệt khi con người tương tác với các loài có nguy có cao lây truyền bệnh có thể gây ra ổ dịch, đại dịch.
Đại dịch Covid 19, theo một cách khác, đã cho chúng ta cơ hội nhìn nhận lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước tiềm tàng của một cuộc khủng hoảng kép: cuộc khủng hoảng đối với sức khỏe con người cuộc khủng hoảng đối với thiên nhiên.
Không có một phép màu nào cả, chỉ có hành động và cùng nhau hành động. Nói không với việc tiêu thụ động vật hoang dã là chúng ta góp phần phòng tránh được hiểm họa của một đại dịch sức khỏe tàn khốc, bảo vệ được các loài động vật hoang dã, bảo vệ được nguồn gien, và đa dạng sinh học.
Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của WWF-Việt Nam, rõ ràng việc bùng phát dịch bệnh tương lai là hiện hữu. Chúng ta không biết khi nào diễn ra, nhưng biết chắc chắn rằng tiêu dùng động vật hoang dã là nguyên nhân gây ra và làm cho virus khuếch tán nhanh hơn và tạo ra dịch bệnh cho con người, biết được thì tại sao hành động quyết liệt. Nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp của con người là chính đáng, nhưng quan trọng hơn là cần ăn sạch, ăn vì trách nhiệm với sức khỏe bản thân, thiên nhiên và cộng đồng.
Nguồn: nhachannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo