Vịt Sín Chéng cho ra những quả trứng đặc biệt với lớp vỏ xanh nhạt, tỷ lệ lòng đỏ cao, trở thành đặc sản của huyện biên giới Si Ma Cai (Lào Cai).
Ông Lùng Văn Lìn ở thôn Bản Giáng (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai) cho biết, vịt Sín Chéng là đặc sản của Si Ma Cai nhưng không dễ để phát triển thành đàn lớn, do đó gia đình ông nuôi khoảng 50 con để lấy trứng.
Trung bình mỗi ngày, gia đình thu khoảng 15 – 20 quả trứng với giá bán hiện nay khoảng 8.000 đồng/quả, mỗi tháng gia đình có thêm khoản thu nhập 3 – 4 triệu đồng.
So với giá trứng vịt thông thường, trứng vịt Sín Chéng được thu mua tại chỗ có giá gấp đôi, gấp ba. Có thời điểm giá bán lẻ một quả trứng vịt Sín Chéng đắt ngang một suất xôi ăn sáng, có khi đặt mua cũng không có.
Ông Cư Seo Chúng, ở thôn Sín Chải cho biết, lứa vịt của gia đình có khoảng 60 con, trọng lượng trung bình trên 1,5kg. Giống vịt Sín Chéng nuôi không khó bởi là con giống bản địa nên chịu được thời tiết thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ở Si Ma Cai.
Tuy nhiên, vịt Sín chéng không cho ăn cám công nghiệp như vịt dưới xuôi mà phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn tự nhiên thì trứng mới có lòng đỏ to, lòng trắng rất ít, ăn thơm ngon và bán mới được giá.
Ở Sín Chéng, hầu hết các hộ gia đình đều nuôi từ một đến hai chục con vịt bản địa để dùng làm thực phẩm khi gia đình có cỗ bàn hoặc bán cho người dưới xuôi lên.
Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng cho hay, xã có khoảng 400 hộ nuôi vịt Sín Chéng, tuy nhiên tổng đàn lại rất ít, mỗi hộ trung bình hơn chục con. Số hộ nuôi 50 – 60 con cũng là nhiều.
Số lượng trứng mỗi ngày người dân thu về rất ít (khoảng 50-60% số con trong đàn cho trứng) nên không đủ cung ứng ra thị trường. Tại đây, vịt Sín Chéng được chăn thả tự nhiên. Việc tăng đàn rất khó vì vịt Sín Chéng phụ thuộc thức ăn tự nhiên như ốc cua cá ở ruộng, ở ao.
Cũng theo ông Sơn, trứng vịt Sín Chéng không phải lúc nào cũng có vì mùa đông vịt Sín Chéng không đẻ trứng. Còn mùa cấy xong theo quy ước thôn bản là phải nhốt vịt lại, không được thả rông vì vịt sẽ phá lúa. Khi nhốt, vịt không sinh sản.
Tương tự, mùa lúa chín, các hộ dân phải nhốt vịt cho tới lúc gặt xong. Lúc này, vịt lại không đảm bảo dinh dưỡng để cho trứng… Đó là một trong nhiều yếu tố mà vịt Sín Chéng khó tăng đàn cũng như có thể cung cấp được lượng trứng lớn ra thị trường.
“Hiện nay, đa số người dân tự muốn nuôi vịt Sín Chéng tại xã Sín Chéng đều phải mua trứng rồi dùng gà ấp để gây đàn do vịt không biết ấp trứng. Mỗi đợt người ta cho gà ấp khoảng 10 quả và 2-3 đợt, người ta sẽ thu được 20-30 vịt con và sau hư hao chỉ còn hơn chục con nên người dân chỉ nuôi được như thế”, ông Sơn chia sẻ.
Nói chung, vịt Sín Chéng cho thu nhập ổn định nhưng sản lượng không lớn nên chỉ hỗ trợ thu nhập thêm cho các gia đình, trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, có tiền cho con đi học, mua quần áo… Khi mà tại vùng cao biên giới Si Ma Cai còn nhiều khó khăn nguồn thu đó cũng rất đáng quý.
Ông Trương Văn Tiến, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Si Ma Cai cho biết, vịt Sín Chéng trên toàn huyện hiện duy trì khoảng 30.000 con, nhiều năm nay không phát triển được. Nguyên nhân không nhân rộng được là do thiếu nguồn thức ăn và nguồn nước mặt, người dân không đủ điều kiện kinh tế nuôi tập trung, quy mô lớn mà chỉ nuôi tại các hộ gia đình. Nhưng chính hạn chế này mới khiến vịt Sín Chéng trở thành đặc sản quý của Si Ma Cai.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài xã Sín Chéng, một số xã có nước trong huyện Si Mai Cai cũng bắt đầu nuôi loại vịt này trong đó nhiều hộ Bản Mế đã tự gây giống và nhân đàn được.
Nguồn: nongnghiep.vn