Nuôi dưỡng đàn heo theo cách an toàn sinh học (ATSH) nên được hiểu là tạo “bức tường chắn” nhằm ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh và các yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe heo không lan truyền theo 3 hướng: từ bên ngoài vào trại/hộ chăn nuôi, giữa các con heo trong đàn, và từ trại/hộ ra môi trường hoặc sang trại/hộ khác.
“Bức tường chắn” này cần được biết theo nghĩa rộng, có thể là bức tường bao chung quanh trại hoặc ở mỗi dãy chuồng và vách ngăn giữa các chuồng; là các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp con giống cho trại, nguồn nước và thức ăn/thực liệu; quy trình quản lý đàn, chu chuyển đàn và quy trình sát trùng/xử lý vật dụng, xe, con người, chất tiết cũng như chất thải từ thú.
Tất cả hiểu biết này phải được vận dụng ngay từ khi xác định loại hình chăn nuôi của trại (làm giống hay thương phẩm); sản phẩm là heo cai sữa, hậu bị hay heo thịt); cách xây dựng và quy mô chuồng trại, mục tiêu phải đạt về năng suất và hiệu quả kinh tế; phương cách vận hành trại/hộ chăn nuôi, và theo dõi chất lượng sản phẩm sau khi xuất bán đến trại/hộ khác hoặc khi giết thịt tại lò mổ.
An toàn sinh học trong chăn nuôi heo
Người chăn nuôi còn thờ ơ về ATSH
Ở một tỉnh có đàn heo lớn nhất miền Đông Nam Bộ, Trần Quốc Vĩ & cs (2016) khảo sát tình bình áp dụng ATSH tại 110 trang trại tư nhân với số heo nái > 20 và <100 trên 3 huyện.
Trong số đó, có 4 trại đăng ký nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP và 46 trại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số trại chưa biết đến ATSH và 1/3 số trại chỉ nghe đến khái niệm này nhưng chưa hiểu rõ ý nghĩa. Khoảng 92% số trại không biết về quy chuẩn ATSH của Bộ NN&PTNT. Điều này cho thấy, các quy định và cách thực hiện ATSH nên được phổ biến sâu rộng hơn và kiểm tra định kỳ.
Khoảng cách giữa trại/hộ chăn nuôi so với khu dân cư hoặc khoảng cách giữa các trại theo quy định (1000 m) rất khó đạt trong điều kiện chăn nuôi phân tán. Tại 110 trại khảo sát với 3 mức quy mô (<50, 50 – 200 và >200 heo nái) đang bị bệnh tiêu chảy cấp (PED), Đỗ Tiến Duy & Nguyễn Tất Toàn (2013) ghi nhận các trại gần kề nhau (khoảng cách <100 m) có nguy cơ cao mắc bệnh này. Trong số 183 hộ chăn nuôi (quy mô từ 5 nái hoặc 20 heo thịt trở lên) bị dịch bệnh tai xanh tại tỉnh Tiền Giang, 71 – 74% số hộ chăn nuôi này có khoảng cách đến điểm trung chuyển heo hoặc điểm giết mổ dưới 500 mét (Nguyễn Thị Mến & cs, 2012).
Ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (theo báo cáo quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, 2010), trong 12 trại chăn nuôi quy mô 500 – 1000 heo của huyện, chỉ có 1 trại đạt khoảng cách xa khu dân cư 1000 m, và trong số 53 trại quy mô nhỏ hơn 100 heo chỉ có 1 trại xa khu dân cư tối đa 700 m. Do đó, nguy cơ lây truyền bệnh từ khu dân cư và giữa các trại luôn hiện diện.
Việt Nam chưa có hệ thống phần mềm chính thức đánh giá con giống
Hệ thống giống ở Việt Nam đã được xác định từ lâu và các tiến trình chọn lọc con giống đã được ứng dụng. Tuy nhiên, chưa có hệ thống phần mềm chính thức của Việt Nam trong việc đánh giá con giống dựa vào phân tích quan hệ di truyền liên trại nên không thể xếp hạng con giống giữa các trại giống cụ kỵ, ông bà. Bên cạnh đó, việc nhập con giống từ nhiều nguồn (các dòng heo trong cùng một giống) để cải thiện năng suất có thể góp phần làm giảm tính kháng bệnh khi điều kiện chăn nuôi không đáp ứng yêu cầu sinh lý của heo với bộ gen đã thay đổi bởi quá trình chọn lọc.
Ở các vùng trong nước, người chăn nuôi mua con giống dựa vào niềm tin thay vì dựa vào các công bố chính thức về mặt lý lịch, chủng ngừa và sức khỏe của con giống. Do đó, dịch bệnh thường xuyên lan truyền từ việc mua con giống không rõ lý lịch.
Chất lượng tinh dịch, đặc biệt tình trạng nhiễm vi sinh vật trong tinh dịch (nhiễm virus PRRS) chưa được kiểm soát chặt chẽ thông qua các xét nghiệm bắt buộc. Nhằm tăng năng suất sinh sản của đàn nái, phối kép với tinh của heo đực khác nhau thường được thực hiện ở nhiều trang trại và hộ chăn nuôi nên khó đánh giá chất lượng thật sự của con giống về mặt di truyền hoặc nguồn bệnh. Hy vọng Pháp lệnh Giống vật nuôi sẽ góp phần kiểm soát nguồn con giống.
Cần kiểm soát nguồn nước, thức ăn hỗn hợp và thực liệu vào trại
Nguy cơ do nguồn nước giếng hoặc nước sông nhiễm bẩn và nhiễm mặn vẫn luôn xảy ra. Xét nghiệm 152 mẫu nước giếng trong 6 tháng đầu năm 2016 tại TP. HCM, có 71 mẫu nước giếng (47%) không đạt các chỉ tiêu màu sắc, mùi vị và hàm lượng amoni, 4 mẫu (3%) không đạt chỉ tiêu coliform tổng số và E. Coli. Ngoài ra, đa số nước giếng không đạt chỉ tiêu hàm lượng sắt (phần lớn ở dạng sắt tam (Fe+++) khó tiêu hóa).
Trong một khảo sát trên 348 hộ chăn nuôi gia đình ở Tiền Giang, có 55% số hộ không xử lý nguồn nước mặt khi dùng nuôi heo (Nguyễn Thị Mến & cs, 2012; Trần Thị Dân & cs, 2015) mặc dù phương pháp xử lý nguồn nước mặt không tốn kém (lắng, dùng phèn và dung dịch chứa clo hoạt tính). Xử lý nước nhiễm mặn trong mùa khô vẫn là thách thức lớn ở các tỉnh ven biển mặc dù một số phương pháp xử lý (chưng cất nhiệt, trao đổi ion, thẩm thấu ngược) đã được công bố. Một câu hỏi đặt ra là có thể sử dụng nguồn nhiệt từ biogas để chưng cất nước mặn, từ đó có được nguồn nước sạch cho cả con người và gia súc.
Thức ăn chăn nuôi là một trong các vectơ truyền mầm bệnh và chất độc cho gia súc. Quy trình phát hiện mầm bệnh là virus, chẳng hạn virus gây dịch tiêu chảy cấp (PED) trong thức ăn hỗn hợp và thực liệu, vẫn chưa được thiết lập mặc dù một số bệnh do virus vẫn đang gây thiệt hại lớn ở nhiều tỉnh thành (Nguyễn Văn Điệp & cs, 2014). Ngoài ra, nên chú trọng vi khuẩn Clostridium perfringens vì bào tử của chúng thường xuyên hiện diện trong đất nên có thể nhiễm vào thực liệu. Vi khuẩn này sinh độc tố gây bệnh viêm ruột hoại tử trên heo; 50 – 80% số mẫu phân heo tiêu chảy có vi khuẩn này hiện diện (Huỳnh Thị Mỹ Lệ, 2010), và cũng đã xuất hiện những ca bệnh này trên heo theo mẹ ở những trại nuôi công nghiệp ở phía Nam; Do đó, cần có quy trình xét nghiệm vi khuẩn này trong thực liệu/thức ăn gia súc.
Một trại nuôi heo giống ông bà với quy mô 700 nái và 5 000 heo thịt ở Đồng Nai đã thành công trong việc giảm dùng kháng sinh bằng cách bổ sung lợi khuẩn (probiotic) vào thức ăn hỗn hợp mỗi ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong sử dụng probiotic; đó là cách bảo quản chế phẩm trong quá trình lưu hành và trữ tại trại, sự thuận lợi trong sử dụng chế phẩm probiotic, chậm tác dụng vì đòi hỏi thời gian tăng sinh của lợi khuẩn trong đường ruột, và chưa có đánh giá khoa học về sự thay đổi hệ lợi khuẩn trong cơ thể thú cũng như trong môi trường sau một thời gian sử dụng.
Bổ sung kháng sinh trong thức ăn hỗn hợp vẫn đang là vấn đề cần thảo luận. Bộ NN&PTNT đã quy định việc công bố loại kháng sinh và lượng kháng sinh trong thức ăn hỗn hợp bán trên thị trường nhưng sự thực thì quy định này nghiêm túc hay không thì chưa được tổng kết. Ngoài ra, người chăn nuôi không lưu ý loại kháng sinh gì đang có trong thức ăn nên họ có thể sử dụng những kháng sinh đối kháng khi bệnh xảy ra, dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát bệnh. Trong hợp đồng công việc, nên liệt kê chi tiết các nhiệm vụ cụ thể của cán bộ thú y (cán bộ thú y tại cơ sở chăn nuôi hoặc cán bộ thú y cấp xã phụ trách bảo hiểm thú y cho thú nuôi) trong việc ghi chép và lưu báo cáo về quy trình sử dụng kháng sinh ở các cơ sở chăn nuôi nhằm tránh sự đề kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong thịt heo.
Tạo thích nghi bệnh tại chỗ cho đàn hậu bị
Tạo miễn dịch đồng đều cho đàn heo hậu bị để chống lại các mầm bệnh đang có trong trại là một yêu cầu quan trọng trong nuôi dưỡng an toàn sinh học và giảm nguy cơ rối loạn sinh sản trên heo nái. Ba khâu quan trọng trong quá trình tạo miễn dịch cho đàn hậu bị: cách ly heo mới nhập về để ngăn chặn vi sinh vật từ ngoài vào trại, tiêm vắcxin, và cho hậu bị tiếp xúc với nguồn mang mầm bệnh tại trại (tiếp xúc heo nái rạ, heo choai, phân heo, ruột heo con).
Về việc cách ly, một số bất cập cần xem xét. Đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ (10 – 20 heo nái hoặc 50 – 100 heo thịt) không có chuồng cách ly (70% số hộ). Nếu có chuồng cách ly thì khoảng cách giữa chuồng cách ly với các dãy chuồng nuôi lại không đạt yêu cầu (phải tối thiểu 800 mét). Trường hợp chuồng cách ly ở gần dãy chuồng thú khỏe thì chuồng cách ly phải có mương nước thải tách biệt và toàn bộ vật dụng hoặc người chăm sóc cũng riêng biệt; hai yêu cầu này thường không được người chủ nuôi chú trọng. Do đó, tính chuyên nghiệp trong nuôi dưỡng đàn heo cần được nâng lên. Thời gian cách ly thay đổi theo thời gian ủ bệnh của mỗi bệnh khác nhau (có thể 3 tuần hoặc 8 tuần) nhưng nhiều người chủ nuôi không biết rõ vi sinh vật nào là mầm bệnh chính từ trại/hộ bán heo và lại không muốn chi tiền cho xét nghiệm sàng lọc các heo nhập về.
Tiêm vắcxin phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm luôn được chú trọng ở các trại nuôi tập trung quy mô vừa (20 – 200 heo sinh sản, hoặc 100 – 1000 heo thịt) và trại quy mô lớn. Số heo từ các trại ở hai loại quy mô này chiếm khoảng 30 – 40% tổng đàn heo cả nước. Số đàn heo còn lại thuộc hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và nhất là hộ chăn nuôi gia đình, đây là hai nhóm hộ không quan tâm thực hiện đúng quy trình tiêm vắcxin phòng các bệnh bắt buộc như long móng lở mồm mặc dù vắcxin phòng bệnh long móng lở mồm týp O vẫn cho thấy hiệu quả phòng bệnh này trên heo.
Chương trình tiêm vắcxin thay đổi tùy theo tình hình dịch tễ của các bệnh chính ở mỗi trại. Việc thực hiện chương trình vắcxin hiệu quả ở mỗi trại vẫn là bài toán khó do nhiều yếu tố tác động bất lợi xảy ra cùng lúc, thí dụ sự phù hợp của chủng virus trong vắcxin với chủng virus gây bệnh tại trại, ảnh hưởng của vận chuyển heo trái phép, tuổi mắc bệnh, chi phí vắcxin.
Điều này đòi hỏi sự theo dõi, ghi chép kỹ lưỡng về diễn biến lâm sàng và kết quả xét nghiệm tin cậy. Tạo thích nghi bệnh trên heo hậu bị bằng cách cho chúng tiếp xúc với các nguồn mang mầm bệnh tại trại (vi khuẩn và virus) theo quy trình có kiểm soát. Nguồn mang mầm bệnh có thể là heo nái, heo 6 – 12 tuần tuổi, phân heo nái đẻ, phân heo choai, hoặc ruột heo sơ sinh đang bị dịch bệnh tại trại. Không nên cho heo hậu bị ăn nhau thai vì heo hậu bị có thể tạo thói quen ăn con lúc heo bị stress bởi quá trình sinh đẻ lần đầu, nhất là khi hậu bị được nhốt chuồng riêng lẻ. Nhiều phương cách tiếp xúc nguồn bệnh đã được tổng kết nhưng chỉ có tính kinh nghiệm do bởi nhiều trại không đo lường số lượng vi khuẩn hoặc virus từ nguồn.
Một lưu ý rất quan trọng mà nhiều người chăn nuôi thường không quan tâm nên mầm bệnh tiếp tục lây lan sau khi cho hậu bị tiếp xúc nguồn bệnh tại trại, đó là phải thêm 3 – 4 tuần nuôi riêng để heo phục hồi sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Như vậy, phải có đủ thời gian để heo hậu bị tạo miễn dịch và giảm thiểu hoặc không còn mầm bệnh trong cơ thể trước khi được nhập vào chuồng phối. Trong kế hoạch quản lý đàn heo, nên tính toán thời điểm mua heo hậu bị sao cho có đủ thời gian cách ly và tạo thích nghi bệnh cộng với thời gian tạo đủ miễn dịch trước khi phối.
Nguồn tin: Tạp chí Chăn Nuôi Việt Nam
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo