Chat hỗ trợ
Zalo

   

Bệnh viêm da nổi cục lây lan mạnh ở Gia Lai

Bệnh Viêm Da Nổi Cục Lây Lan Mạnh ở Gia Lai_6129f66e12dca.jpeg
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại tỉnh Gia Lai đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan trên diện rộng.

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 4.500 con bò của 2.780 hộ gia đình tại 11 huyện bị mắc bệnh viêm da nổi cục.  Trong đó, 157 con bò bị chết và được tiêu hủy do sức đề kháng giảm kèm phát bệnh viêm phổi, tụ huyết trùng. Hiện đã có 993 con được chữa khỏi bệnh.

Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian tới có khả năng diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Nguyên nhân, đây là bệnh mới chưa được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch nên việc hướng dẫn tổ chức phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, số lượng trâu, bò được tiêm vắc xin còn hạn chế, phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả, phụ thuộc nhiều vào thức ăn tự nhiên; ý thức về chăm sóc đàn vật nuôi của đại đa số người đồng bào chưa tốt, còn ỷ lại…

Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu các địa phương cần giám sát, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống theo quy định. Cảnh báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách ly, chăm sóc gia súc bệnh, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò bằng cách huy động, sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và xã hội hóa. Được biết, hiện người chăn nuôi trên toàn tỉnh đã chủ động tiêm phòng được khoảng 77.000 liều vắc xin viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian tới khả năng bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan sang các địa phương khác là rất cao. Vì vậy, các địa phương tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao kiến thức về chăn nuôi nhất là phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi như tự giám sát để phát hiện sớm và chăm sóc hộ lý giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, chủ động mua thuốc diệt các véc tơ truyền bệnh và vắc xin để tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình.

Nguồn: nongnghiep.vn

0972.502.979