Chuồng nuôi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng phát triển và năng suất nuôi thỏ.
Các loại chuồng
Chuồng thỏ sinh sản: Được dùng để nuôi thỏ bố mẹ cùng đàn con nên sẽ có kích thước to nhất để đảm bảo diện tích khi đặt ổ đẻ cũng như đàn thỏ con ở với mẹ sau này. Với loại chuồng này thường là chuồng đôi có máng cỏ ở giữa kích thước là dài x rộng x cao: 120 x 60 x 40 cm. Hoặc làm theo kiểu chuồng đôi nhưng bỏ máng cỏ (chuồng này chủ yếu trong các trại nuôi thỏ công nghiệp không cho ăn cỏ) kích thước là dài x rộng x cao: 120 x 60 x 35 cm. Mỗi một chuồng như vậy sẽ nuôi được 2 thỏ mẹ cùng đàn con.
Chuồng thỏ thịt: Đây là loại chuồng mới được sản xuất gần đây nhưng đã thu hút được sự chú ý của người nuôi. Loại chuồng này có kích thước là dài x rộng x cao: 120 x 50 x 35 cm. Mỗi 1 chuồng như vậy sẽ chia làm 6 ngăn, nắp chuồng mở ở trên (làm như nắp hộp) đóng mở 6 ô 1 lần luôn. Chuồng này sẽ nuôi được 6 con thỏ thịt.
Chuồng thỏ 2 tầng: Thực ra loại chuồng này chỉ là biến thể của chuồng thỏ sinh sản và thỏ thịt. Về kích thước không có gì thay đổi nhiều, thông thường chiều cao chỉ 35 cm. Có thay đổi lớn nhất đó chính là cửa chuồng được làm ở phía trước làm theo kiểu trượt lên xuống.
Yêu cầu kỹ thuật
Lồng, chuồng thỏ có thể được làm bằng những nguyên liệu sẵn có của địa phương nhưng cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như thỏ hoạt động dễ dàng thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe; chuồng chắc chắn, bền vững, dễ dàng vệ sinh chuồng trại, ít tốn công khi cho ăn, chăm sóc, bắt; thỏ không chui lẫn đàn ra ngoài. Ngoài ra, phải đảm bảo các loại tre, gỗ phải chắc và bố trí sao cho thỏ không gặm được vì thỏ là loại động vật gặm nhấm. Làm đáy lồng có thể tháo lắp ra được để thuận lợi cho việc vệ sinh.
Lồng chuồng có thể đặt dưới gốc cây có bóng mát ở ngoài vườn, đầu nhà có mái che, chống được mưa nắng hoặc tận dụng các gian nhà trống để nuôi, chỗ đặt lồng phải đảm bảo thông thoáng sạch sẽ, chống gió lùa mạnh, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, quét dọn vệ sinh và thoát được phân rác dễ dàng.
Trong mỗi ô lồng bố trí một giá để thức ăn xanh, một máng thức ăn tinh có thể làm bằng sành, sứ, tôn, sắt. Dụng cụ uống nước có thể là máng chậu đổ bằng xi măng cao 8 – 10 cm, rộng 10 – 15 cm để thỏ không lật đổ được.
Trong trại thỏ phải có hàng rào cách ly để hạn chế xâm nhập của người lạ và các loài gia súc khác trong trại nhằm tránh bệnh truyền lây hay làm cắn phá thỏ hay làm hư hại lồng thỏ. Phải bố trí hố tiêu độc trước khi vào trại thỏ và giữa các ngăn chuồng cũng có hố tiêu độc (vôi bột), vệ sinh lồng thỏ thường xuyên.
Trước khi thỏ đẻ 3 – 4 ngày thì để ổ đẻ vào lồng cho thỏ cái đẻ, ô đẻ có hình dáng như cái hộp, có kích thước tùy theo tầm vóc thỏ. Đáy của ổ đẻ thỏ nên dễ thoát nước, tránh nước tiểu của thỏ làm cho thỏ con bị cảm lạnh.
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/