Chat hỗ trợ
Zalo

   

Campuchia: Xung đột giữa người nuôi lợn và doanh nghiệp nhập khẩu

Campuchia: Xung đột Giữa Người Nuôi Lợn Và Doanh Nghiệp Nhập Khẩu_6129f58cb8352.jpeg
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Các doanh nghiệp nhập khẩu Campuchia đang tiếp tục vận động chính phủ cho phép nhiều lợn hơi hơn vào nước này, trong khi người chăn nuôi trong nước thì phản đối.

Ít nhất bốn công ty kinh doanh thịt Campuchia đã gửi kiến nghị lên Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính và Bộ trưởng Thương mại để xin phép được nhập khẩu lợn.

Các công ty này cho rằng, như vậy thì người tiêu dùng trong nước sẽ được hưởng lợi từ giá thịt lợn rẻ hơn, đồng thời cũng tạo ra nguồn thu cho chính phủ thêm 3 triệu đô la mỗi năm. Mặt khác, hoạt động này cũng khiến cho người chăn nuôi lợn trong nước có cơ hội sản xuất cạnh tranh trong một thị trường tự do.

Tuy nhiên, phía các nhà chăn nuôi lợn Campuchia đã phản đối đề xuất trên của các doanh nghiệp, đồng thời cho biết họ vẫn ủng hộ quyết định của Bộ Nông nghiệp trong việc hạn chế nhập khẩu lợn từ nước ngoài. Lý do là việc nhập khẩu lợn hơi, thịt lợn với giá rẻ hơn từ các nước như Thái Lan sẽ “giết chết” ngành chăn nuôi lợn quốc nội, và chưa kể đến điều này có thể là nguy cơ đưa dịch bệnh vào các trang trại chăn nuôi trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Campuchia Srun Pov khuyến nghị rằng, các nhà nhập khẩu hãy đặt mình vào vị trí người nuôi lợn trong nước thì mới thấy được họ đang khó khăn như thế nào để cạnh tranh.

Theo ông Srun Pov, nhập khẩu rẻ hơn có thể giết chết thị trường nội địa, khiến người dân Campuchia phụ thuộc vào thịt lợn ngoại và đặc biệt là nguy cơ nhiễm dịch bệnh đe dọa đàn lợn trong nước. “Chúng ta đã từng trải qua nhiều đợt dịch bệnh lây lan từ việc nhập khẩu khiến đàn lợn của nông dân Campuchia ế ẩm, không có người mua, và họ thì bị mất nguồn thu nhập nuôi gia đình”, ông Srun Pov nói.

Người đứng đầu Hiệp hội Chăn nuôi Campuchia cho biết thêm, nếu hoặc khi chính phủ cấm nhập khẩu lợn, điều đó sẽ giúp nông dân trong nước mở rộng sản xuất và bán thịt lợn với giá cả hợp lý. Ngoài ra nó cũng sẽ giúp phát triển ổn định chuỗi sản xuất- kinh doanh và cung ứng thức ăn chăn nuôi, như ngô, đậu tương và gạo…

“Vì vậy, nếu các doanh nghiệp muốn giúp đỡ người chăn nuôi và đảm bảo sự an toàn của thịt lợn trong nước thì hãy nên đầu tư vào chăn nuôi lợn hơn là nhập khẩu chúng”, ông Srun Pov đề nghị.

Kể từ cuối năm 2019 đến nay, chính phủ Campuchia chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được đưa lợn sống từ Thái Lan vào lãnh thổ, nhưng phải dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt để đề phòng dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó vào tháng 4, giới chức nước này đã phải tiêu hủy hơn 100 con lợn sống nhập khẩu để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Đây là đợt bùng phát đầu tiên kể từ năm 2019.

Số lợn này ngay lập tức đã bị tiêu hủy ở tỉnh Tà Keo, sau khi những người buôn bán trái phép cố gắng vận chuyển lợn bệnh vào biên giới Campuchia theo ngả từ Thái Lan qua Lào.

Nguồn: nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0972.502.979