Bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò ở Gia Lai đang có chiều hướng giảm số lượng bò bị bệnh và tăng số lượng khỏi bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 5/9, toàn tỉnh có 20.232 con bò của 12.083 hộ dân mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, 1.966 con bò đã bị chết và tiêu hủy do sức đề kháng giảm, cùng với đó bò phát sinh các bệnh khác như: viêm phổi, tụ huyết trùng.
Điều đáng mừng, lực lượng chức năng cùng người dân các địa phương đã điều trị khỏi bệnh cho 14.958 con bò, chỉ còn lại 3.308 con bị bệnh nằm rải rác ở 126 xã. Đã có 34 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố không còn gia súc mắc bệnh, trong đó có 3 xã ADơk, Trang, Ia Băng (huyện Đak Đoa) đã thẩm định đủ kiện công bố hết dịch.
Theo nhận định, trước đó tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục diễn biến phức tạp do véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) khó kiểm soát. Ngoài ra, gia súc sau tiêm phòng cần khoảng 21 ngày mới đảm bảo nhưng công tác quản lý ổ dịch tại một số địa phương thực hiện chưa tốt.
Tuy nhiên, dịch bệnh viêm da nổi cục thời gian gần đây đã có chiều hướng giảm dần số con bò bị bệnh phát sinh, tăng dần số bò khỏi bệnh.
Theo ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, có được tín hiệu lạc quan này là do ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian qua.
Cụ thể, ngay khi dịch bệnh bùng phát, ngành nông nghiệp Gia Lai đã trực tiếp đi kiểm tra, làm việc với các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ phòng, chống dịch theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc hàng ngày nhằm tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Gia Lai đã đẩy mạnh tổ chức tiêm vacxin để phòng, chống viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò. Đến nay, Gia Lai đã tổ chức tiêm được 710. 380 liều, đạt tỷ lệ 49% tổng đàn bò trên toàn tỉnh.