Viêm loét miệng trên dê là bệnh nguy hiểm bởi sự lây lan nhanh, mạnh và có thể lây nhiễm sang người. Đặc biệt, đây là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc chữa trị.
Nguyên nhân
Bệnh do một loại virus hướng thượng bì gây ra. Dê, cừu đều có thể mắc bệnh, virus gây bệnh cho dê mọi lứa tuổi. Đặc điểm của bệnh là gây ra hiện tượng viêm loét miệng làm cho dê không ăn được, dê con không bú được dẫn đến sức đề kháng giảm, từ đó dễ kế phát các bệnh khác.
Đặc điểm dịch tễ
Virus xâm nhập vào dê qua chỗ da bị trầy xước hoặc niêm mạc, do cây cỏ nhọn sắc gây xây xát ở miệng. Ngoài ra, sự lây lan cũng còn do tay con người chăm sóc, các dụng cụ… Tỷ lệ mắc bệnh ở dê thường tới 100%. Tỷ lệ chết do đói hoặc bệnh thứ phát có thể tới 20%.
Triệu chứng
Bệnh thường bắt đầu ở môi rồi lan nhanh xuống cằm và đầu mũi. Thời kỳ đầu thường xuất hiện các nốt nhỏ bằng hạt đậu xanh. Các mụn phát triển nhanh chóng thành các mụn nước, mụn mủ rồi vỡ ra và tạo ra vẩy cứng, xù xì. Khi cậy ra dưới lớp vẩy là lớp keo nhầy màu vàng, đôi khi có lẫn máu và mủ. Con vật lấy và nuốt thức ăn khó, đau nên thường bỏ ăn, chảy dãi, lõ mũi bị bịt kín chất nhầy, thở khó.
Dê bị loét miệng
Bệnh tích
Những bệnh tích có thể thấy ở bờ mi mắt, vành hậu môn, mép âm hộ, nếp đuôi, vú, bìu… Ở phần chân, có những đám như mụn cóc, dính đất, chảy nước, chảy máu. Các vết loét có thể xuất hiện ở lưỡi hoặc ở niêm mạc miệng, được phủ một lớp bựa trắng. Dê đau, kém ăn, chảy dãi có mùi hôi. Trường hợp này dễ bị nhiễm trùng thứ phát. Những biến chứng nguy hiểm nhất là viêm dạ dày, ruột, viêm cuống phổi và phổi.
Bệnh tiến triển trong 4 – 6 tuần, giai đoạn viêm đến ngày thứ 5, giai đoạn mụn mủ và vảy từ ngày thứ 10 – 15, rồi thành u thịt. Khi bệnh nhẹ con vật có thể khỏi trong 3 tuần. Nếu không bị nhiễm trùng kế phát thì các tổn thương sẽ tự khỏi, các mô lành lại và không để lại sẹo.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng: Căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh là nổi mụn nước ở môi, mép, đầu vú, núm vú, âm hộ, bìu dái nhưng không xuất hiện mụn nước ở móng chân. Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lở mồm long móng và bệnh đậu dê.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm: Lấy bệnh phẩm (vẩy, mụn) gửi đi xét nghiệm virus ở các phòng thí nghiệm.
Phòng bệnh
Thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, máng ăn, máng uống.
Dê mới nhập về cần phải cách ly ít nhất 2 tuần.
Cho dê ăn uống đầy đủ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của dê.
Trị bệnh
Thực hiện cách ly những con ốm. Tránh bệnh lây lan do bụi. Chăn dắt dê theo những đường riêng, không chăn thả ở đồng cỏ đã nhiễm bệnh.
Bệnh viêm loét miệng do virus gây ra nên kháng sinh không có hiệu lực. Những dê có triệu chứng nhiễm trùng kế phát thì phải dùng kháng sinh như: Streptomycin, Tetracyclin, Ampicillin, Penicillin, Amoxylin… hoặc các thuốc kháng sinh dạng mỡ bôi vào vết thương cho dê.
Dùng chanh, khế… sát vào vết loét, sau đó dùng Xanh Methylen hoặc dung dịch Iod-Tetran bôi vào vết loét ngày 2 – 3 lần.
Cho dê ăn những thức ăn mềm, non, đồng thời tăn cường sức khỏe bằng cách bổ sung Vitamin A, B…
Chuồng, dụng cụ, thân thể con vật phải được vệ sinh khử trùng. Nền chuồng phải cào đất, hun lửa. Sau khi khỏi bệnh, tắm cho dê bằng nước pha hóa chất sát trùng (Cloramin-B, Virkon…)
Lưu ý: Người chăm sóc con vật sẽ dễ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với chúng. Vì vậy, người nuôi khi điều trị, xử lý dê bệnh nên đeo găng tay và sát trùng cẩn thận sau khi tiếp xúc, chăm sóc dê ốm, dụng cụ.
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/