Hiện, nhân giống và cải tạo giống trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đang được thực hiện ở nhiều địa phương. Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.
Mục lục
Chế độ dinh dưỡng
Nếu trâu cái được ăn khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng sẽ động dục đều đặn theo đúng chu kỳ tính, sau 3 tháng đẻ nuôi con, có trên 85% số cá thể động dục trở lại với chu kỳ 21 – 23 ngày/lần, đồng thời biểu hiện rõ các đặc trưng về tính.
Nhu cầu dinh dưỡng của trâu cái chờ phối và chửa: Từ 30 – 35 kg cỏ tươi, 2 – 3 kg thức ăn ủ chua, cỏ khô, 1 – 1,5 kg thức ăn tinh/ngày, bổ sung tảng đá liếm khoáng treo đầu chuồng liên tục để bổ sung vi lượng. Đối với trâu cái nuôi con ở giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi cần bổ sung thêm 1,5 – 2 kg thức ăn tinh.
Theo dõi trâu cái
Đối với trâu cái phải được quản lý và theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện động dục kịp thời. Trâu cái có tuổi động dục lần đầu lúc khoảng 3 năm tuổi, lúc đó khối lượng cơ thể đạt 70 – 75% khối lượng lúc trưởng thành. Tuổi đẻ lứa đầu của trâu là khoảng 4 năm tuổi, khối lượng cơ thể đạt 80 – 85% khối lượng lúc trưởng thành. Chu kỳ động dục của trâu dao động khá lớn, 15 – 35 ngày, thời gian kéo dài động dục 15 – 20 giờ và phần lớn trâu cái có biểu hiện động dục không rõ ràng (thường gọi động dục ngầm).
Sự sinh sản của trâu cũng mang tính mùa vụ khá rõ rệt, trâu động dục tập trung vào mùa thu đông (từ tháng 8 đến tháng 2 dương lịch năm sau), còn mùa hè nóng nực thì tỷ lệ động dục thấp hơn.
Với trâu cái được phối giống 1 – 2 lần mà không mang thai, cần kiểm tra xác định nguyên nhân để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Tuyệt đối không để những trâu đực có quan hệ huyết thống hoặc tầm vóc bé nhảy trực tiếp cho trâu cái.
Ảnh: Maxresdefault
Phát hiện trâu cái động dục
Để việc phát hiện trâu cái động dục chính xác và hiệu quả, người nuôi cần có sổ sách ghi chép các số liệu sinh sản như lứa tuổi trâu, lứa đẻ, ngày trâu đẻ, khối lượng nghé sơ sinh, thời gian nuôi con.
Thời gian động dục của trâu thường kéo dài 2 – 4 ngày, biểu hiện động dục của trâu không rõ như bò nên khó phát hiện. Vì vậy để tăng khả năng sinh sản người nuôi nên chú ý quan sát kỹ hàng ngày các biểu hiện của trâu như: Thỉnh thoảng kêu rống, thích gần trâu khác có khi nhảy trâu cái khác hoặc đứng cho trâu cái khác nhảy, đi tiểu ít nhưng nhiều lần, âm hộ sưng mọng hơn, niêm mạc hồng, niêm dịch ra nhiều (rất dễ phát hiện khi soi ban đêm và sáng sớm lúc trâu cái nằm nghỉ hoặc nhai lại). Khi thấy một trong những biểu hiện trên, cần nhốt trâu lại theo dõi, lúc nào trâu ở trạng thái nằm ì, dịch không chảy ra nữa thì liên lạc với người dẫn tinh viên để kiểm tra kỹ lưỡng hơn và phối giống kịp thời.
Xác định thời điểm thích hợp để phối giống
Phối giống tốt nhất vào cuối ngày thứ nhất – đầu ngày thứ hai sau khi con vật có dấu hiệu động dục. Sau khi phối giống để trâu cái ổn định, người chăn dắt phải tách riêng với những con đực khác 1 – 2 ngày, đồng thời ghi vào sổ theo dõi, nếu quá 40 ngày mà trâu không có biểu hiện động dục trở lại thì có khả năng là trâu đã đậu thai.
Để tránh cho trâu giao phối cận huyết (giao phối giữa con đực và con cái cùng huyết thống) nên cho trâu giao phối với con đực ở vùng hoặc thôn, bản khác, hoặc trâu đực nhập từ nơi khác về.
Thực hiện đúng kỹ thuật thụ tinh
Dẫn tinh viên phải nắm vững quy trình bảo quản tinh, tinh phải liên tục ngập sâu trong nitơ lỏng, khi lấy ra sử dụng phải rã đông ở 380C trong vòng 15 giây và sử dụng ngay không để quá 15 phút bên ngoài.
Dẫn tinh viên phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề. Nếu dẫn tinh viên có trình độ tay nghề cao thì khi kiểm tra bộ phận sinh dục trâu cái xem độ cứng, mềm cổ tử cung có thể xác định được thời điểm phối giống thích hợp nhất.
Phải vô trùng dụng cụ khi phối giống để tránh gây viêm nhiễm bộ phận ở sinh dục trâu cái.
Nguồn:nguoichannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/