Nuôi heo có lãi nhờ tự chủ con giống

Nuôi Heo Có Lãi Nhờ Tự Chủ Con Giống_6129f661d0ef7.jpeg
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Dù giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 80.000 -150.000 đồng/bao, nhưng nhờ tự chủ con giống, sức tiêu thụ tốt, người nuôi heo ở Bình Định vẫn lãi 1 triệu đồng/con.

Đàn nái sinh sản lớn

Huyện Hoài Ân (Bình Định) được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung với tổng đàn heo luôn ổn định ở mức xấp xỉ 300.000 con. Trong 2 năm gần đây, dù phải trải qua đợt dịch tả lợn châu Phi rồi đến giai đoạn giá heo giảm thấp thảm hại khiến người chăn nuôi ngại tái đàn, thế nhưng hiện đàn heo ở Hoài Ân vẫn còn đạt 280.000 con.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, thế mạnh trong phong trào nuôi heo của địa phương này là có đàn nái sinh sản lớn. Từ năm 2016, người chăn nuôi ở Hoài Ân đã hình thành đàn nái 55.000 con.

Cứ tính mỗi năm 1 con heo nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 10 con heo con, vị chi mỗi năm Hoài Ân có 1,1 triệu con heo giống. Số heo giống nói trên đủ để người dân ở đây chủ động trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào và không lo vốn mua con giống mỗi khi tái đàn, lại yên tâm con giống sạch bệnh.

Ví như hộ anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) nuôi 12 con heo nái sinh sản, hết con này đẻ đến con khác đẻ, mỗi năm anh có 220 con heo giống. Do đó, dù anh xuất chuồng bán thịt đều đều, nhưng đàn heo của anh luôn ổn định từ 80-100 con.

“Có heo nái sinh sản lợi lắm, mình chỉ lo tiền mua thức ăn chứ không phải lo tiền mua con giống. Chi phí đầu vào giảm nên lợi nhuận được tăng lên. Lúc giá heo hơn 80.000 đồng/kg người chăn nuôi lãi 2 triệu đồng/con heo, nay giá thức ăn tăng cao mức lãi có giảm, những vẫn còn 1 triệu đồng/con”, anh Bình bộc bạch.

Hiện huyện Hoài Ân có 4 trang trại chăn nuôi heo công nghiệp công nghệ cao quy mô chăn nuôi từ 3.000-10.000 con, có 62 trang trại chăn nuôi heo có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ. Đặc biệt, từ các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi heo nái sinh sản để chủ động nguồn heo giống. Đây là lợi thế lớn cho người chăn nuôi heo ở đây.

Vượt qua ‘bão giá’ thức ăn chăn nuôi

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, từ ngày 5/7 đến ngày 11/7 mà giá heo hơi trên địa bàn đã nhiều lần tăng giá. Heo nuôi trong nông hộ từ dưới 50.000 đồng/kg hơi nay đã tăng lên đến 60.000 đồng/kg. Còn heo siêu nạc từ 56.000 đồng/kg nay tăng đến 64.000 đồng/kg. Sức tiêu thụ cũng không kém so với trước đây. Hiện nay, mỗi ngày Hoài Ân xuất bán từ 800-1.000 con heo thịt cho thị trường các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế.

Trong bối cảnh heo tăng giá, người nuôi heo ở Hoài Ân lại tự cung tự cấp con giống và dù đang ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng sức tiêu thụ heo trên thị trường vẫn rất mạnh, nên dù giá thức ăn chăn nuôi đang cao ngất ngưỡng nhưng người nuôi heo ở đây vẫn có lãi khá.

Chị Lê Thị Liễu (54 tuổi) ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định), chủ trang trại đang nuôi gần 3.000 con heo, trong đó có 350 con heo nái sinh sản chia sẻ, từ đầu năm đến nay giá thức ăn heo đã 8 lần tăng giá. Một bao cám cho heo mẹ ăn vào thời điểm cuối năm ngoái chỉ có 22.000 đồng/bao (25kg) hiện đã tăng đến 300.000 đồng/bao. Còn cám cho heo con, trước chỉ có 420.000 đồng/bao nay đã tăng đến 570.000 đồng/bao, tăng tới 150.000 đồng/bao.

Tuy nhiên, cũng theo chị Liễu, nhờ chủ động con giống và giá heo tăng, nên dù giá thức ăn tăng cao nhưng hiện chị vẫn có lãi 1 triệu đồng/con. Heo nái đẻ ra chị Liễu để lại nuôi, khi heo đạt khoảng 7-10kg/con chuyển sang chuồng nuôi heo thịt. 4 tháng sau, khi chúng đạt 100kg/con xuất bán.

Chi phí thức ăn, thuốc thú y, điện nước từ khi chuyển chuồng đến khi xuất bán tốn khoảng 3,7 triệu/con. Với giá bán hiện nay là 64.000 đồng/kg, con heo 100kg sẽ cho thu vào 6,4 triệu đồng.

“Do heo giống của mình nên sau khi trừ tất cả chi phí tôi còn lại 2,7 triệu đồng/con. Nếu trừ thêm tiền con giống tôi vẫn còn lãi gần 1 triệu đồng/con. Dù đang ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng sức tiêu thụ heo trên thị trường vẫn mạnh, tôi vừa bán 1.000 con heo mà chỉ mấy ngày là thương lái mua hết”, chị Liễu cho hay.

Người nuôi heo trong nông hộ hiện cũng có mức lãi không kém. Theo anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ân Đức, do trong thức ăn chăn nuôi hiện không còn chất tăng trọng, nên heo phải nuôi 5 tháng mới đạt trọng lượng xuất bán. Hiện giá heo nuôi truyền thống đã tăng từ 50.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg hơi, nên dù giá thức ăn tăng cao người chăn nuôi vẫn có lãi khá.

“Nuôi theo truyền thống nên chi phí thức ăn có ít hơn, sau 5 tháng, mỗi con tiêu tốn khoảng 1,7 triệu đồng tiền cám. Khi xuất chuồng heo đạt 80kg/con, với giá bán 60.000 đồng/kg, 1 con heo cho thu vào được 4,8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn 2,7 triệu đồng, người nuôi còn thừa 2,1 triệu đồng. Nếu trừ thêm tiền con giống 1,1 triệu đồng, người nuôi vẫn còn lãi 1 triệu đồng/con”, anh Bình tính toán chi li.

“Dù đang ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại KV3, phường Nhơn Bình (TP Quy nhơn, Bình Định) vẫn duy trì mức sản xuất như trước khi dịch bùng phát đợt thứ 4. Hiện mỗi ngày chúng tôi giết mổ khoảng 400 con heo thịt, trọng lượng bình quân mỗi con là 90kg. Số lượng thịt heo nói trên chủ yếu cung ứng cho dân TP. Quy Nhơn và 1 số chợ các địa phương lân cận. Chứng tỏ sức tiêu thụ thịt heo của người tiêu dùng vẫn đang rất mạnh”, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn, cho biết.

Nguồn: nongnghiep.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0972.502.979