Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Nỗ lực giảm phụ thuộc nguyên liệu

Feeding-essential-oils-to-dairy-cows
Chia sẻ
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng lại chỉ tự chủ được khoảng 35 – 37%, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Sản xuất TĂCN liên tục tăng

Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi. Số còn lại, khoảng 30% do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành chăn nuôi, trong những năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta không ngừng phát triển. Cụ thể, năm 2019, cả nước có 265 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đến năm 2021 có 269 cơ sở (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở), tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%.

thức ăn chăn nuôi

Ảnh: Shutterstock

Về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước, năm 2019 đạt 18,9 triệu tấn, đến năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 15,9%, trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng. Dự kiến, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta đến năm 2025 sẽ đạt 24 – 25 triệu tấn và năm 2030 sẽ là 30 – 32 triệu tấn.

sản lượng ngô

Nghịch lý vẫn diễn ra

Thức ăn là thành tố quan trọng, chiếm 65 – 70% giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi, tuy nhiên, hiện nay, nước ta đang phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam là nhà nhập khẩu lúa mì, ngôđậu tương lớn thứ 5 trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam lại là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu lương thực hàng “top”, có nhiều tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu và có số lượng lớn nguồn phụ phẩm nông nghiệp. Đây là một trong những nghịch lý vẫn đang tồn tại của ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp hiện nay.

Vấn đề này không mới nhưng khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, mới thấy rõ tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao và bản thân ngành chăn nuôi đã sử dụng 60%, thậm chí 80% nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi.Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chỉ giảm trong 2 năm là 2017 và 2019, còn lại các năm khác trị giá nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 là 3 tỷ USD; Năm 2014 là 3,25 tỷ USD; Năm 2015 là 3,39 tỷ USD; Năm 2016 là 3,44 tỷ USD. Đến năm 2017, trị giá nhập khẩu giảm 6,4% so năm 2016, đạt hơn 3,22 tỷ USD. Ngay sau đó năm 2018, trị giá nhập khẩu tăng mạnh 21,2% so năm 2017, đạt hơn 3,91 tỷ USD. Năm 2019, trị giá nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Tuy nhiên trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020 lên tới 3,84 tỷ USD; Năm 2021 lên 4,93 tỷ USD.

Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam tháng 8/2022 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp, tháng 8/2022 tăng 24,4% so tháng 7/2022 và tăng 44,3% so tháng 8/2021, đạt 573,32 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2021.

Trước con số nhập khẩu khủng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận rằng năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta còn hạn chế.

Đơn cử như năng suất ngô của chúng ta chỉ đạt 4,8 tấn/ha, trong khi các nước sử dụng nguồn giống biến đổi gen, năng suất lên tới 9 tấn/ha. Hay như cây đậu tương, năng suất ở Mỹ đạt tới 132 quả/cây, còn Việt Nam chưa tới 70 quả/cây.

thức ăn chăn nuôi

Sản lượng TĂCN công nghiệp của nước ta liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Ảnh: Shutterstock

“Bài toán” tự chủ

Thức ăn chăn nuôi chiếm vai trò quan trọng và có nhiều ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của ngành chăn nuôi. Do đó, việc tăng cường thêm nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm tải áp lực cho việc nhập khẩu là giải pháp thiết thực để ngành chăn nuôi nước ta từng bước chủ động trong sản xuất.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra định hướng phát triển cụ thể với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40 – 45 triệu tấn, sản lượng thực tế từ 30 – 32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số. Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước như: Bã, men bia, bã dứa, bã sắn, tiết và phụ phẩm lò mổ, vỏ đầu tôm, đầu xương và mỡ cá tra…

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, trong thời gian tới, cần chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn. Việc tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua ngô, sắn của nông dân với giá ổn định. Đồng thời phát triển sản xuất protein từ côn trùng như ruồi lính đen để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng, khoáng vi lượng…

Cuối tháng 9/2022, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng một số hợp tác xã trồng sắn, trồng ngô ở các tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tập trung vào trồng ngô sinh khối và đẩy mạnh chế biến 1,5 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là giải pháp nhanh nhất nhằm tiết kiệm ngoại tệ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sự ổn định và phát triển bền vững của ngành chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng trong đóng góp tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong đó, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi trong giá thành chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng. Giải pháp sắp tới là sử dụng nguyên liệu của các địa phương; Chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Nguồn: nguoichannuoi.vn

Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu

Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Hotline: 0972502979

Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com

Website: https://thietbichannuoibo.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo

0972.502.979