TÌNH HÌNH CHUNG (đang cập nhật)
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 5/2023, chăn nuôi lợn trong tháng 5 vẫn gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng, giá bán các loại sản phẩm không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm mạnh. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 5 năm 2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
Chăn nuôi lợn nói riêng và gia súc, gia cầm nói chung hiện gặp nhiều khó khăn do: dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao; dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc; giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng nhưng giá xuất bán các loại sản phẩm không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi đang bị giảm mạnh.
Chăn nuôi trâu, bò:
Đàn trâu, bò cả nước trong tháng phát triển ổn định. Các địa phương đang có dịch Viêm da nổi cục vẫn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 giảm 2%; tổng số bò tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm 2022.
Chăn nuôi lợn:
Giá thịt lợn hơi trong tháng 5 có dấu hiệu khởi sắc, xu hướng tăng. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022.
Chăn nuôi gia cầm:
Đàn gia cầm cả nước trong tháng 5/2023 vẫn ở mức ổn định, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, tuy nhiên việc tiêu thụ lại đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023 tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
Thú y:
Theo báo cáo của Cục Thú y tính đến ngày 23/5/2023, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cả nước cụ thể như sau:
– Dịch Cúm gia cầm (CGC): Trong tháng 5/2023, cả nước phát sinh 03 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 02 tỉnh, thành phố Quảng Ngãi và Hà Nội; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 3.185 con. Tính từ đầu năm đến 23/5/2023, cả nước xảy ra 10 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 07 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi và Quảng Nam. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 44,44%, số gia cầm phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 57,69%. Hiện nay, cả nước có 03 ổ dịch CGC tại 02 tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi (02 ổ dịch) và Hà Nội (01 ổ dịch) chưa qua 21 ngày.
– Dịch Lở mồm long móng (LMLM): Trong tháng 5/2023, cả nước phát sinh 01 ổ dịch LMLM tại tỉnh Gia Lai; số gia súc mắc bệnh là 15 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 19 ổ dịch tại 09 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 620 con, số gia súc tiêu hủy là 21 con. Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch thuộc 02 huyện của 02 tỉnh: Thái Nguyên và Gia Lai chưa qua 21 ngày; số trâu, bò mắc bệnh là 17 con.
– Dịch Tai xanh: Trong tháng 5/2023, cả nước phát sinh 01 ổ dịch Tai xanh. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 01 ổ dịch tại tỉnh Cao bằng; số lợn mắc bệnh là 57 con, số lợn chết và tiêu hủy là 37 con. Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch thuộc tỉnh Cao Bằng chưa qua 21 ngày.
– Dịch Tả lợn châu Phi: Trong tháng 5/2023, cả nước phát sinh 12 ổ dịch tại 08 tỉnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 223 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 130 ổ dịch tại 31 tỉnh; tổng số lợn bị tiêu hủy là 4.527 con. – So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 81,53%; số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 87,56%. Hiện nay, cả nước có 17 ổ dịch thuộc 12 huyện của 08 tỉnh chưa qua 21 ngày
– Bệnh viêm da nổi cục (VDNC): Trong tháng 5/2023, cả nước phát sinh 02 ổ dịch tại tỉnh Quảng Bình. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 5 ổ dịch tại 08 tỉnh; số gia súc mắc bệnh là 315 con, số gia súc tiêu hủy là 64 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 72,68%; số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 83,95%. Hiện nay, cả nước có 09 ổ dịch thuộc 04 huyện của 03 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Bình và Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày.
THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI
Tại thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 6/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm với mức giảm 11,025 UScent/lb xuống mức 80,675 UScent/lb. Giá thịt lợn giảm do nguồn cung thịt lợn dồi dào.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 5/2023, giá lợn hơi trên cả nước tăng do nhu cầu có dấu hiệu tăng lên khi mùa du lịch bắt đầu.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tăng 6.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 57.000- 60.000 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Hưng Yên thu mua lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 60.000 đồng/kg. Lợn hơi tại Bắc Giang và Hà Nội được giao dịch ở mức 59.000 đồng/kg. Các địa hương còn lại duy trì thu mua trong khoảng 57.000 – 58.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 4.000 – 6.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg. Theo đó, hai tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng cùng thu mua lợn hơi với giá 59.000 đồng/kg. Thương lái tại tỉnh Thanh Hóa giao dịch lợn hơi ở mức 60.000 đồng/kg – cao nhất khu vực.
Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng 5.000 – 7.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 56.000 – 61.000 đồng/kg. Trong đó, lợn hơi tại hai tỉnh Đồng Tháp và Bạc Liêu được giao dịch ở mức 58.000 đồng/kg. 60.000 đồng/kg là giá lợn hơi được ghi nhận tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh – ngang với Đồng Nai, Vũng Tàu và Hậu Giang. Lợn hơi tại Long An được thu mua với giá 61.000 đồng/kg – cao nhất khu vực. Các địa phương còn lại thu mua trong khoảng 56.000 – 59.000 đồng/kg.
Giá thu mua gà tại trại biến động tăng tại các vùng miền trong tháng 5/2023. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Bắc, miền Trung tăng 16.000 đồng/kg lên mức 48.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày miền Nam tăng 5.000 đồng/kg lên mức 37.000 -38.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Nam và miền Trung tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg lên mức 24.000 đồng/kg.
Giá trứng gà miền Bắc giảm 400 đồng/quả xuống mức 1.600 – 1.700 đồng/quả. Giá trứng gà miền Trung tăng 100 – 200 đồng/quả lên mức 1.800 – 2.000 đồng/quả. Giá trứng gà miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ giảm 100 đồng/quả xuống mức 1.700 – 1.900 đồng/quả.
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 5 năm 2023 ước đạt 44 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 5 tháng đầu năm 2023 đạt 190 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 52 triệu USD, tăng 10,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 58 triệu USD, tăng 59,1%.
THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi:
Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 5 năm 2023 ước đạt 355 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 5 tháng đầu năm 2023 đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 571 triệu USD, tăng 0,5%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 511 triệu USD, giảm 3,8%.
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu:
Giá trị nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 5 năm 2023 ước đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 5 tháng đầu năm 2023 đạt 2,04 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường: Áchentina (chiếm 25,8% thị phần), Ấn Độ (18,3%) và Hoa Kỳ (15,2%). So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam từ Áchentina tăng 3,9%, Ấn Độ tăng gấp 2,3 lần và Hoa Kỳ tăng 28,3%.
Nhập khẩu đậu tương:
Khối lượng nhập khẩu đậu tương tháng 5 năm 2023 ước đạt 150 nghìn tấn với giá trị ước đạt 63 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 5 tháng đầu năm 2023 đạt 887 nghìn tấn và 564 triệu USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá đậu tương nhập khẩu bình quân 5 tháng năm 2023 ước đạt 636 USD/tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Hoa Kỳ, Braxin và Canađa là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 với 95,4% thị phần. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu đậu tương của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ tăng 78,1%; Canađa tăng 16,4%. Ngược lại, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Braxin giảm 39,9%.
Nhập khẩu lúa mì:
Ước nhập khẩu lúa mì tháng 5 năm 2023 đạt 500 nghìn tấn với giá trị nhập khẩu đạt 176 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì 5 tháng đầu năm 2023 đạt 2,16 triệu tấn và 781 triệu USD, tăng 11,1% về khối lượng và tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá lúa mì nhập khẩu bình quân 5 tháng năm 2023 ước đạt 362 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu lúa mì chính của Việt Nam là từ các thị trường: Ôxtrâylia (chiếm tỷ trọng 65,7%), Braxin (15,9%), Hoa Kỳ (8,9%), và Canađa (6,5%). So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu lúa mì của Việt Nam từ Ôxtrâylia tăng 12,6%; Hoa Kỳ tăng 14,3%, Canađa tăng 19,4 lần, trong khi nhập khẩu từ Braxin giảm 7,2%.
Nhập khẩu ngô:
Khối lượng ngô nhập khẩu tháng 5 năm 2023 ước đạt 400 nghìn tấn với giá trị đạt 127 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3,21 triệu tấn và 1,08 tỷ USD, giảm 9,6% về khối lượng và giảm 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá ngô nhập khẩu bình quân 5 tháng năm 2023 ước đạt 336 USD/tấn, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Braxin, Áchentina và Ấn Độ với tổng thị phần chiếm 92,1%. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị nhập khẩu ngô từ Braxin tăng 4,3 lần, Ấn Độ tăng 23,1%, trong khi nhập khẩu từ Áchentina giảm 44,7%.
Nguồn: channuoivietnam.com
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo