Bệnh viêm dạ tổ ong trên trâu, bò thường phát ra trên thú trưởng thành do việc lấy thức ăn nhanh không chọn lựa thức ăn của thú ăn cỏ. Các ngoại vật sắc nhọn như đinh, kẽm gai, dây sắt cột rơm, mảnh chai theo thức ăn vào dạ cỏ và qua dạ tổ ong gây xây sát dạ tổ ong từ đó gây viêm nhiễm.
Cách sinh bệnh
Do trâu, bò phải lấy thức ăn lượng khá lớn để thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng do đó khi lấy thức ăn nhanh, nuốt nhanh thức ăn xuống dạ cỏ làm ngoại vật dễ vào đường tiêu hóa mà thú không biết. Do thể tích dạ cỏ lớn ngoại vật ít làm xây xát không làm viêm dạ cỏ. Trong dạ cỏ ngoại vật có tỷ trọng cao chìm xuống đáy và theo thức ăn chuyển từ dạ cỏ sang dạ tổ ong, đây là dạ thấp nhất và ở phía trước nhất của dạ 4 túi. Do dạ tổ ong có cấu tạo những gờ lục giác ngoại vật bị giữ lại. Ngoại vật như đinh lớn, mảnh kẽm gai,….tiếp xúc gây xây xát dạ tổ ong từ đó làm vi sinh vật có sẵn ở đường tiêu hóa gây viêm dạ tổ ong do ngoại vật. Những ngoại vật kích thước lớn, dài có thể chọc thủng dạ tổ ong gây viêm xoang bụng, viêm cơ hoành, viêm màng ngoài tim, hoặc viêm xoang ngực.
Triệu chứng
Bệnh phát ra tương đối đột ngột sau khi thú ăn phải ngoại vật 1 ngày đã có triệu chứng như thú đi đứng chậm chạp, không muốn đi chạy, Thú thường giảm ăn, bỏ ăn, quá trình nhai lại giảm, nhu động ruột giảm kèm theo mất nước do sốt, phân thường bón.
Thú đau vùng bụng, tiếng kêu có vẻ đau đớn, hay dùng đuôi quất bụng, đầu ngó xuống bụng, lấy chân gãi vùng bụng, thú ngại đi xuống dốc, thú ngại đi vòng tròn hướng tay trái.
Thú thở nhanh do sốt, thở thể ngực và thở cạn
Một vài trường hợp do độc tố của vi khuẩn xuống ruột gây viêm ruột và tiêu chảy
Thú thường chết sau 4 – 7 ngày do nhiễm trùng nặng.
Chẩn đoán
Thú có cảm giác đau vùng bụng khi khám ấn tay vùng dạ tổ ong.
Thú có phản ứng đau khi dẫn thú đi xuống dốc hay đi vòng bên trái.
Nếu có điều kiện, có thể chẩn đoán bằng máy dò kim loại để phát hiện ngoại vật bằng kim loại trong dạ tổ ong, chụp X quang.
Điều trị
Bệnh chỉ điều trị khi ngoại vật ở dạ tổ ong chưa đâm thủng dạ tổ ong lan ra xoang bụng và ngực, thường chỉ điều trị ở thú làm giống. Nếu dạ tổ ong đã thủng thì loại thải bán thịt. Để điều trị trước hết phải lấy ngoại vật ra bằng phương pháp mổ dạ cỏ sau đó điều trị chăm sóc hậu phẫu tốt với kháng sinh như Streptomycine + Penicilline, Chlortetrasol,… trợ sức với B complex, C. Cấp nước bằng Glucose 5%. Hàng ngày cho ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa và ít thức ăn thô xanh, tránh ăn nhiều, sau khi vết mổ lành dần mới tăng dần thức ăn lên. Khoảng sau 1 tháng thì cho ăn bình thường.
Phòng ngừa
Không cho thú ăn ngoài bãi cỏ khi quá đói mà phải cho ăn ít cỏ để lót dạ trước khi thả ra bãi chăn.
Dọn dẹp đồng cỏ, loại bỏ kim loại, mảnh chai trên đồng cỏ.
Có thể dùng nam châm đường kính 2 cm, dài 7-10 cm có những rãnh dọc đặt vào dạ cỏ, thanh nam châm sẽ hút ngoại vật kim loại ở dạ cỏ không để ngoại vật vào dạ tổ ong.
Nguồn: nhachannuoi.vn
Công ty TNHH Thiết bị Công nghệ Dịch vụ Á Châu
Địa chỉ kho: số 3, đường Tân Xuân 6, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM
Hotline: 0972502979
Gmail: thietbichannuoibo@gmail.com
Website: https://thietbichannuoibo.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/chuyennghiepchannuoibo